Các tàu thuyền, máy bay, thiết bị hiện đại đang được huy động để truy lùng bất cứ dấu hiệu nào của MH370. Thử thách lớn đặt ra là việc dò tìm chiếc hộp đen, thiết bị ghi âm và lưu dữ liệu. Nó chứa đựng câu trả lời cho nguyên nhân mất tích của chiếc máy bay Boeing 777-200 giữa lộ trình từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh hôm 8/3.
Tuy vậy, nhiều chuyên gia tin rằng chiếc hộp đen khó có thể giải đáp câu hỏi "Tại sao MH370 đổi hướng về phía Ấn Độ Dương sau một giờ bay và việc này diễn ra như thế nào?".
Hộp đen cung cấp chi tiết về lộ trình bay, mọi thông tin cơ học trong cuộc hành trình, tức là "cung cấp một lượng thông tin khổng lồ", AFP dẫn lời bình luận của công ty Tư vấn Hàng không Mỹ Leeham Co. Bất lợi là ở chỗ nó chỉ ghi lại hai giờ hội thoại cuối cùng trước khi máy bay rơi. Như vậy có nghĩa các cuộc trao đổi quan trọng giữa thành viên tổ lái trên quãng đường từ Malaysia tới gần Việt Nam không được lưu giữ.
"Rõ ràng, hộp đen sẽ không cho chúng ta biết được chuyện gì xảy ra khi MH370 bay qua vịnh Thái Lan. Đoạn thông tin này đã bị ghi đè khi MH370 kết thúc hành trình", Leeham Co nhận định.
Chuyên gia hàng không người Anh, Chris Yates, có cùng quan điểm với Leeham Co. "Chúng ta không biết liệu nguyên nhân là do chính cơ trưởng và cơ phó, hay có kẻ khác lẻn vào buồng lái và khống chế máy bay", Yates nói với BBC. "Đây là một bí ẩn chưa từng có".
Thủ tướng Malaysia Najib Razak hôm qua tổ chức họp báo tuyên bố chiếc máy bay Malaysia Airlines cùng 239 người đã lao xuống Ấn Độ Dương, dựa theo các dữ liệu vệ tinh được phân tích. Lý do vụ mất tích hay vị trí rơi vẫn còn bị bỏ ngỏ. Không một tín hiệu cầu cứu nào từ MH370 từng được ghi nhận.
Ba giả thiết đặt ra được đặc biệt chú ý là: không tặc, phi công phá hoại hoặc một sự cố bất ngờ xảy ra khiến phi hành đoàn mất khả năng điều khiển, chiếc máy bay quay về chế độ tự động lái vài giờ trước khi hết nhiên liệu. Phía Malaysia tin rằng phi cơ này đã bị chuyển hướng có chủ đích bởi một ai đó trong buồng lái. Đối với nhiều người, chưa một bằng chứng nào từ cuộc điều tra đủ thuyết phục để lý giải các giả thiết trên.
Mỹ đã gửi nhiều thiết bị định vị tối tân đến vùng tìm kiếm, trong đó có hệ thống phát hiện tín hiệu dưới đáy đại dương. Tuy nhiên, điều kiện biển và thời tiết bất lợi cộng thêm phạm vi tìm kiếm quá lớn cản trở mọi nỗ lực định vị hộp đen.
Tuy dấu hiệu các mảnh vỡ nghi của MH370 đã được phát hiện ngoài khơi bờ biển phía tây Australia, mọi nỗ lực tìm kiếm vẫn chưa thu được kết quả. Ngoài ra, các mảnh vỡ có thể trôi dạt ra xa hàng trăm km từ chỗ máy bay rơi, khiến hoạt động dò tìm càng gặp nhiều bất lợi.
"Là những người làm công việc điều tra, chúng tôi cần vật chứng, mà hiện tại chúng tôi chẳng có mẫu vật chứng nào để phân tích", Anthony Brickhouse, thành viên Hiệp hội Điều tra An toàn Hàng không, nói. Thời gian ngày một gấp rút vì pin cấp cho bộ phận phát tín hiệu của hộp đen chỉ còn đủ duy trì trong khoảng hai tuần, sau đó việc định vị càng trở nên khó khăn.
Paul Yap, giảng viên chuyên ngành hàng không tại học viện Temasek Polytechnic của Singapore, cho rằng nếu không tìm được hộp đen thì khả năng lớn là vụ việc mãi mãi không tìm được lời giải.
"Biển cả mênh mông như một bàn cờ, câu hỏi đặt ra là tìm nước đi thích hợp, tức là tập trung khoanh vùng được vị trí hộp đen", Yap nhận xét.
Trần Trang (theo AFP)