Bạo lực đã là một phần của bóng đá Nga trong nhiều năm. Các cuộc đụng độ bên trong sân vận động và ẩu đả có tổ chức thường xuyên xảy ra. Nhưng hỗn loạn ở Marseille, Pháp cuối tuần này đã đưa hooligan Nga (cổ động viên quá khích) trở thành tâm điểm chú ý quốc tế.
Sau khi Nga cầm hòa Anh vào phút cuối trong trận đấu thuộc giải vô địch bóng đá châu Âu (Euro 2016) hôm 12/6, cổ động viên Nga đã đốt pháo sáng trên khán đài để ăn mừng. Sau đó, một nhóm quá khích đã leo hàng rào sang phần khán đài dành cho cổ động viên Anh và vụ ẩu đả bắt đầu. Sáng hôm 11/6, một cuộc hỗn chiến cũng nổ ra giữa các cổ động viên Nga, Anh và một nhóm thanh niên bản địa ở Marseille khiến cảnh sát phải dùng biện pháp mạnh nhằm thiết lập trật tự. Nhiều người sau đó nhập viện trong tình trạng đổ máu.
Liên đoàn bóng đá Nga lấy làm tiếc về các vụ ẩu đả và Bộ trưởng Thể thao Nga mô tả những người dính líu đến vụ việc là đáng hổ thẹn. Nhưng các quan chức cấp cao khác lại công khai ủng hộ họ là "những người đàn ông đích thực".
Trong khi đó, các cổ động viên dường như không hối tiếc, thậm chí còn tự hào. "Vụ việc cho thấy bên nào mới là hooligan đáng gờm nhất", Alexei, một người ủng hộ câu lạc bộ bóng đá CSKA của Moscow, cũng tham gia vào cuộc đụng độ tại Pháp, nói.
Ông cho biết hooligan Nga đã học hỏi phần lớn từ người Anh. "Trong những năm 70 và 80, ai cũng phải cúi đầu trước các cổ động viên Anh", BBC dẫn lời Alexei nói. "Nhưng bây giờ có nhiều kiểu hooligan khác. Thời bây giờ khác trước nhiều rồi".
Từ khóa #Marseilleisours xuất hiện trên Twitter sau các cuộc đụng độ và các nhóm hooligan Nga trên mạng xã hội đã ca ngợi những người tham gia.
Các cổ động viên Anh tham gia các cuộc ẩu đả kể rằng phe Nga rất hung hãn và nói rằng cả những người ủng hộ bình thường - không phải hooligan - cũng bị tấn công. Trong khi đó, các cổ động viên Nga khẳng định họ chỉ phản ứng lại trước sự khiêu khích từ người Anh.
Tuy nhiên, họ cũng mô tả một kiểu hooligan Nga mới - trẻ hơn, khỏe hơn và tỉnh táo hơn so với các "đối thủ" Anh.
"Giờ nhiều người tập đấm bốc hay các môn võ hỗn hợp. Hooligan Nga thường có lối sống lành mạnh, tránh uống rượu - điều từng được coi là nét văn hóa của hooligan", nhà báo Andrei Malosolov, đồng sáng lập Liên đoàn Cổ động viên Nga, giải thích.
"Người Anh thích uống rượu bia hơn, và khi uống, họ chậm chạp hơn và cũng không thể đánh nhau tốt. Cổ động viên nước chúng tôi đã chuẩn bị tốt hơn, vì văn hóa giờ là như thế", ông nói, cho rằng "trò" đã giỏi hơn "thầy".
"Nga và Ba Lan ở vị trí hàng đầu trong bảng xếp hạng hooligan máu mặt nhất", Andrei Malosolov nói. "Anh giờ tụt hạng nhiều rồi".
Báo Nga Komsomolskaya Pravda cũng giữ thái độ tương tự và đăng một danh mục thuật ngữ về hooligan. Những hooligan máu mặt nhất được gọi là "chiến binh", trong khi "Ultra" là từ dùng để chỉ những cổ động viên ồn ào ngồi sau khung thành. Họ có nhiều chiến thuật, từ tấn công bất thình lình, tức là đánh một vài đòn rồi sau đó rút - cho tới tấn công toàn diện để hạ tinh thần đối thủ.
Truyền thông Pháp đưa tin rằng hooligan từ nhiều câu lạc bộ bóng đá đã tham gia vào các cuộc ẩu đả ở Marseille, bao gồm các đội từ những thị trấn ít được bên ngoài biết đến như Orel và Krasnodar. Các cổ động viên nói các thành viên chủ chốt thuộc các nhóm hooligan lớn hơn, bao gồm hai nhóm liên quan đến các đội ở Moscow là CSKA và Spartak, đã bị cấm đi lại.
Nga đã đưa ra quy định mới cho cổ động viên, đề ra các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với hành vi vi phạm, bao gồm cả bạo lực. Chủ tịch liên đoàn cổ động viên Nga nói rằng quy định mới đã khiến 100 hooligan bị lưu vào danh sách đen.
Nhưng nhiều người trong số đó vẫn đến Pháp, tham gia hỗn chiến mà không hề che mặt. Họ dường như không quan tâm tới hậu quả.
Cả Nga và Anh có nguy cơ đối mặt với hình phạt từ Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) nếu bạo lực vẫn tiếp tục. Hình phạt cao nhất là truất quyền thi đấu. Nếu Nga lĩnh hình phạt này, đó sẽ tổn thất hình ảnh lớn cho quốc gia đăng cai World Cup năm 2018.
Nhưng một số người Nga lại có quan điểm khác.
"Các chàng trai đã bảo vệ danh dự đất nước của họ", truyền thông Nga dẫn lời nghị sĩ Igor Lebedev, thuộc ủy ban điều hành của Liên đoàn Bóng đá Nga.
"Một người đàn ông bình thường như thế khiến họ bất ngờ", phát ngôn viên Ủy ban Điều tra NgaVladimir Markin đề cập đến sự phẫn nộ của châu Âu về hooligan Nga. "Chắc họ chỉ quen nhìn thấy những người đàn ông tại các cuộc diễu hành đồng tính thôi", ông nói thêm.
Vì vậy, phản ứng của người hâm mộ Nga không phải là điều đáng ngạc nhiên.
"Tất nhiên chúng tôi có lo lắng về đội bóng, đó là điều quan trọng", Alexei nói, nhấn mạnh rằng các cổ động viên sẽ không gây ra thêm rắc rối nếu không bị khiêu khích.
Ông nói rằng các cuộc ẩu đả ở Marseilleisours được châm ngòi từ hành động của người hâm mộ nước Anh.
"Có lẽ điều chúng tôi làm là sai", Alexei thừa nhận. "Nhưng nếu mọi người hét lên những lời lăng mạ thì họ phải sẵn sàng trả giá cho điều đó".
Video: Cổ động viên Anh và Nga hỗn chiến trên khán đài
Phương Vũ