Các nỗ lực lôi kéo cử tri Cộng hòa của cựu ngoại trưởng diễn ra sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul D. Ryan, một thành viên đảng Cộng hòa, tuyên bố hôm 5/5 rằng ông chưa sẵn sàng ủng hộ Donald Trump. Ngay lập tức bình luận này của ông Ryan được chiến dịch vận động của bà Clinton nắm lấy và đăng tải khắp các trang mạng xã hội và email gửi cử tri, NYTimes cho biết.
Cùng lúc đó, Priorities USA Action, một tổ chức hành động bầu cử ủng hộ bà Clinton có kế hoạch tiếp cận những nhà quyên góp lớn của đảng Cộng hòa không ưa ông Donald Trump
Trên bình diện rộng hơn, chiến dịch của bà Clinton đang tái định vị mình. Sau một năm tập trung vào quan điểm tự do và hướng tới các cử tri thiểu số, họ đang chuyển sang lôi kéo những cử tri độc lập, cử tri da trắng thân đảng Cộng hòa nhưng không hài lòng với Donald Trump.
Với cơ hội cao trở thành ứng viên đại diện của đảng Dân chủ, bà Clinton đã mở rộng thông điệp về kinh tế của mình. Bà dành nhiều ngày để xin lỗi về một bình luận bà từng đưa ra khiến nhiều cử tri lao động da trắng tức giận. Hồi tháng 3, trên kênh CNN, bà Clinton tuyên bố: "chúng tôi sẽ khiến rất nhiều công nhân mỏ và công ty kinh doanh than phải mất việc".
Bà Clinton cũng cam kết rằng chồng mình, cựu tổng thống Bill Clinton, sẽ "thôi những ngày nghỉ hưu để trở lại" và giúp tạo thêm công ăn việc làm. Ông Clinton vẫn được rất nhiều người lao động tín nhiệm, bao gồm cả những người bị hấp dẫn bởi thông điệp của Donald Trump.
Nỗ lực này là một cú bẻ lái mạnh mẽ, sau khi cựu ngoại trưởng đã dành cả năm qua để vận động những người theo tư tưởng tự do, và lãnh đạo của người lao động trong đảng Dân chủ.
Bà Clinton tin tưởng rằng những người trẻ tuổi và theo tư tưởng tự do đang ủng hộ đối thủ Bernie Sanders sẽ quay sang ủng hộ mình. Dù vậy, họ cũng đang nỗ lực vận động những cử tri là nữ lao động da trắng, phụ nữ tại các vùng ngoại thành. Đây là những đối tượng có xu hướng ủng hộ ứng viên đảng Cộng hòa, nhưng khảo sát cho thấy họ có quan điểm tiêu cực đối với Donald Trump.
Bà Clinton dự kiến sẽ thành lập một nhóm "người Cộng hòa ủng hộ Hillary". Trong những năm còn là ngoại trưởng và thượng nghị sĩ, bà Clinton đã gây dựng được mối quan hệ tốt với nhiều quan chức cấp cao của đảng Cộng hòa. Mark Salter, cố vấn hàng đầu của Thượng nghị sĩ John McCain, tuần qua đã bày tỏ ủng hộ bà Clinton, chỉ ít phút sau khi ông Trump thắng tại bang Indiana và hai đối thủ còn lại tuyên bố bỏ cuộc.
Cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert M. Gates, một người Cộng hòa, cũng được tin là có quan hệ thân thiết với bà Clinton. Ông Gates từng miêu tả cựu ngoại trưởng là "một đại diện xuất sắc của nước Mỹ trước toàn thế giới". Cựu giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) David H. Petraeus hồi tháng hai thì nhận xét bà Clinton sẽ là "một tổng thống tuyệt vời".
"Tôi mời gọi rất nhiều cử tri Cộng hòa và cử tri độc lập, những người tôi đã gặp trên hành trình vận động tranh cử, những người chủ động tiếp cận tôi. Tôi mời họ gia nhập phe Dân chủ", bà Clinton phát biểu trên kênh CNN hôm 4/5. "Hãy bỏ cái gọi là đội xanh (màu đại diện của đảng Dân chủ) hay đội đỏ (màu đại diện của phe Cộng hòa). Hãy gia nhập đội Mỹ".
Trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ, bà Clinton thường gặp khó khăn với những cử tri da trắng không có trình độ đại học và cử tri độc lập, trong khi đối thủ là ông Sanders lại thường được nhóm này ủng hộ. Dù vậy, khảo sát gần nhất do CNN/ORC tiến hành cho thấy, khi phải chọn giữa bà Clinton và ông Trump, 51% cử tri độc lập và 59% cử tri ôn hòa chọn cựu ngoại trưởng. Tỷ lệ này của ông Trump là 41% và 39%.
"Nếu cuộc bầu cử sơ bộ có vẻ đã kết thúc, chúng tôi cảm thấy liên minh chúng tôi xây dựng đang hướng tới chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử", Brian Fallon, một người phát ngôn của bà Clinton nói. "Nhưng chúng tôi chưa hài lòng với nó. Chúng tôi muốn tập hợp thêm nhiều cử tri hơn nữa, những người chưa ủng hộ bà ấy nhiều".
Hôm 6/5, bà Clinton đã nhận được sự ủng hộ lớn từ Tổng thống Obama. "Cử tri Cộng hòa sẽ phải chọn lựa: 'Phải chăng tôi cảm thấy thoải mái khi ông ta đại diện cho tôi, và điều tôi quan tâm là gì?'", ông Obama nói về Donald Trump trong một cuộc họp báo.
Thách thức
Nếu việc bà Clinton ghé thăm một loạt địa phương tại các bang Kentucky, Ohio và West Virginia phần nào hé lộ đường đi nước bước trong chiến lược tranh cử của bà những tuần sắp tới, sự đón tiếp không mấy thân thiện tại những khu vực trên cũng cho thấy những điểm yếu và xu hướng gây chia rẽ của bà Clinton - điểm yếu mà ông Trump dự kiến khai thác.
Tại sự kiện của bà Clinton ở thành phố Athens, bang Ohio, một người biểu tình đã giơ cao biểu ngữ: "Tôi thà ở nhà đọc bài diễn thuyết của bà tại Goldman Sachs", với ám chỉ về những bài diễn thuyết được trả tiền của bà Clinton tại ngân hàng trên. "Tôi không tin bà ấy. Đó là lý do vì sao tôi mang theo biểu ngữ này", người biểu tình tên Schmidt nói.
Ông Trump, người chứng tỏ khả năng kết nối mạnh mẽ với cử tri nam giới da trắng thuộc tầng lớp lao động, cũng có kế hoạch công kích việc bà Clinton từng ủng hộ các thỏa thuận thương mại toàn cầu. Đây bị cho là nguyên nhân khiến việc làm tại Mỹ bị chuyển ra nước ngoài. Ông Trump đã tấn công tuyên bố "cho công ty than nghỉ việc" của bà Clinton hồi tháng ba.
Bà đưa ra tuyên bố trên để nhấn mạnh nỗ lực thay thế than bằng các năng lượng sạch. Tuy nhiên, phản ứng dữ dội của công chúng sau bình luận trên khiến cho hành trình của bà Clinton tới các bang miền Đông trở thành chuyến đi xin lỗi, khi bà liên tục phải giải thích cho cái bà gọi là "phát biểu sai".
"Tôi không thể rút lại nó", bà Clinton nói với một công nhân mỏ bị mất việc, có tên Bo Copley, 39 tuổi. Copley là một ông bố có ba con và ủng hộ đảng Cộng hòa. Cử tri này đã chất vấn bà Clinton mạnh mẽ về phát biểu trên. "Điều tôi muốn anh hiểu là tôi sẽ làm tất cả mọi việc có thể để giúp mọi người, cho dù diễn biến chính trị ra sao", bà Clinton khẳng định.
Bà Clinton cũng đang tìm cách khai thác những chỉ trích công khai của các quan chức có vai vế trong đảng Cộng hòa nhắm vào Donald Trump. Hôm 4/5, họ đã đăng tải một quảng cáo trực tuyến, trích dẫn lời một cựu đối thủ của tỷ phú rằng, ông Trump "là một ứng viên rỗng tuếch", "quá mức tự luyến", và "người thô lỗ nhất từng muốn làm tổng thống".
Bà Clinton cũng khắc họa ông Trump là "một người khó lường, thiếu kiểm soát" về chính sách đối ngoại. Bà thường đề cập đến những chính sách của chồng mình, như là bằng chứng thuyết phục cử tri rằng bà sẽ giúp đỡ người lao động.
Dù vậy, ngay cả khi ông Clinton nhập cuộc hỗ trợ, chiến dịch của bà Clinton vẫn không dễ dàng thu hút những cử tri như ông Copley, người cho biết vẫn chưa quyết định bỏ phiếu cho ai, nhưng có vẻ tương đồng hơn về mặt nhân khẩu học với những người ủng hộ Donald Trump.
Bà Clinton thì hy vọng có thể thu hút những phụ nữ như vợ ông Copley. Cố vấn của bà Clinton xem họ là những phụ nữ sùng đạo, thân đảng Cộng hòa nhưng phản đối ông Trump.
Christine Matthews, một nhà nghiên cứu chuyên tư vấn cho đảng Cộng hòa về cách giành sự ủng hộ của cử tri nữ, cho rằng việc khắc họa ông Trump là người nguy hiểm về chính sách đối ngoại có thể giúp ích cho bà Clinton trong việc lôi kéo một số phụ nữ ủng hộ đảng Cộng hòa. Bởi với những người này, theo bà Matthews, an ninh quốc gia và chủ nghĩa khủng bố là những chủ đề họ quan tâm nhất, vì họ lo lắng đến sự an toàn của gia đình mình.
Tuy nhiên, việc bà Clinton tìm kiếm sự ủng hộ từ người Cộng hòa cho thấy thực tế u ám của chính trường Mỹ: Hơn một nửa cử tri đã đăng ký cho biết sẽ bầu cho bà Clinton nói rằng họ làm vậy không phải vì thực lòng ủng hộ bà, mà chỉ vì không ưa ông Trump, khảo sát của CNN/ORC cho biết.
Jan Franck, 65 tuổi, ở Charleston, Tây Virginia, nói sau khi nghe bà Clinton phát biểu: "Thậm chí nếu bà ấy chỉ là một con rối làm bằng tất đấu lại Donald Trump, tôi vẫn cứ bỏ phiếu cho bà ấy".
Xem thêm:
Chiến lược của bà Clinton khắc chế miệng lưỡi Donald Trump
Cánh cửa hẹp vào Nhà Trắng của Donald Trump
Hoàng Nguyên