Nước Anh có thể đang đối mặt với nguy cơ mất đi ảnh hưởng sau khi quyết định rút khỏi Liên minh châu Âu (EU). Nhưng một quốc gia sẽ thấy tiếng nói của mình tại châu Âu trở nên đặc biệt có trọng lượng, đó là Đức.
Dưới sự dẫn dắt của Thủ tướng Angela Merkel, nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang trên đỉnh cao thời hậu Thế chiến II. Nhưng việc Anh - nền kinh tế lớn thứ hai châu Âu – ra đi có thể đặt lên vai Đức trọng trách lãnh đạo còn nặng nề hơn.
Một số quốc gia châu Âu thận trọng trước sức mạnh của nước Đức, bởi EU được thành lập với mục tiêu then chốt là ngăn chặn Berlin lại trỗi dậy trở thành thế lực áp đảo tại châu Âu. Dù vậy, nhiều quốc gia lại đang lo ngại rằng Đức giờ đây sẽ thoái thác vai trò lãnh đạo, khiến một châu Âu không được lèo lái rơi vào vòng xoáy khủng hoảng kinh tế và chính trị.
Tiếng nói mạnh mẽ của Đức ngày càng có sức nặng nhờ nền kinh tế quy mô rất lớn và ổn định, trong khi một loạt quốc gia chìm đắm trong vô vàn khó khăn hoặc còn phải giải quyết nhiều vấn đề nội bộ.
Tranh luận
Dù vậy, không một nước nào lại thấy bất an về sự lớn mạnh của quốc gia mình hơn chính nước Đức.
Jennifer Werthwein, 22 tuổi, một sinh viên chuyên ngành kinh tế và triết học, Đại học Mannheim, đã khởi động chiến dịch trên mạng xã hội cùng 500 người khác thuộc tổ chức thanh niên đảng Xanh. Nhiệm vụ của họ là kêu gọi các đồng hương ngừng vẫy quốc kỳ Đức tại giải Vô địch Bóng đá châu Âu (Euro 2016).
Chiến dịch vận động này làm dấy lên những tranh luận tại Đức, nhưng nhóm của Werthwein không phải duy nhất. Các tổ chức sinh viên khác đều đã vận động cho việc này. Sau Brexit, Werthwein cho rằng "có nguy cơ Đức sẽ nỗ lực quá nhiều để vươn lên dẫn đầu, sử dụng sức mạnh kinh tế của mình để tạo ra ảnh hưởng chính trị khắp châu Âu". Sinh viên này khẳng định Đức không nên nhận lại vị trí lãnh đạo trên lục địa này sau những điều kinh hoàng trong Thế chiến II.
Những người khác thì cảm nhận rằng việc nước Anh ra đi có thể gợi mở một cơ hội. Dù họ lấy làm tiếc về quyết định của Anh, họ cho rằng người Đức nên gánh vác thêm trọng trách. Hans-Peter Friedrich, một chính trị gia hàng đầu của Liên đoàn Xã hội Cơ đốc giáo (CSU), một đảng "chị em" với đảng Liên đoàn Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) mà bà Merkel lãnh đạo, chỉ trích chiến dịch chống vẫy quốc kỳ là thiển cận.
"Do sự ra đi của Anh, nước Đức rõ ràng nhận thêm nhiều trách nhiệm", ông Friedrich nói. Ông cho rằng phong trào chống vẫy cờ "cho thấy một bộ phận xã hội Đức vẫn không thoải mái về chính bản sắc của mình. Tôi cho rằng điều đó thật đáng xấu hổ".
Không có nước Anh - bên ủng hộ toàn cầu hóa và tự do thương mại, một số nhà quan sát lo lắng liệu Đức có thể khiến tình hình châu Âu đảo chiều, khi ngày càng nhiều quốc gia ủng hộ chủ trương bảo vệ công nghiệp trong nước và hướng nội, như Pháp và Italy. Dù vậy, Đức cũng không có nhiều lựa chọn.
Nếu Đức trở thành "người quyết định" của châu Âu, thì cũng không phải vì Berlin muốn theo đuổi vai trò đó, Washington Post bình luận.
Từng bị xem là "kẻ ốm yếu của châu Âu" đầu những năm 2000 do khó khăn về tài chính hậu tái thống nhất, kinh tế Đức hiện là hình mẫu cho toàn thế giới. Dù vậy, Đức vẫn bị không ít người cho là chưa hoàn toàn lớn mạnh hơn.
Dù Đức đang đi đầu toàn cầu về chiến đấu chống biến đổi khí hậu, họ vẫn còn ngần ngại trong việc áp đặt chính sách ngoại giao mạnh mẽ được hậu thuẫn bằng sức mạnh quân sự. Thay vào đó, nước Đức dưới thời Thủ tướng Merkel đang thể hiện một dạng lãnh đạo hậu hiện đại - thông qua làm gương và đồng thuận.
Việc bà Merkel để Anh ra đi có trật tự và kiên nhẫn, ngay cả khi các lãnh đạo châu Âu khác có vẻ nóng ruột, cho thấy bà vẫn giữ phong cách cẩn trọng đã được biết đến nhiều ở trong nước. Bà Merkel tỏ ra cứng rắn với Anh, nhưng đồng thời bà cũng tránh làm họ mất mặt, bởi bà tin rằng đó không phải điều tốt nhất cho châu Âu.
Chính điều đó, theo một số người, mới là sự lãnh đạo.
Lo ngại
Có lẽ Đức đang trở nên mạnh hơn do các nước láng giềng suy yếu. Anh đang rời bỏ sân khấu chính trị của châu lục. Pháp thì chìm đắm trong khó khăn kinh tế và cuộc chiến chống khủng bố. Tây Ban Nha và Italy thì đối diện với nạn thất nghiệp nghiêm trọng, cùng bất ổn chính trị. Ba Lan và Hungary, với tư tưởng dân tộc chủ nghĩa chiếm ưu thế thì chỉ tập trung vào các vấn đề trong nước. Trong khi đó, mọi điều tồi tệ đều đã xảy ra tại Hy Lạp.
"Sự lấn át của người Đức tại châu Âu là do sự thoái lui trong lặng lẽ của Pháp", Coralie Delaume, một phóng viên người Pháp bình luận trên tờ Le Figaro sau khi Anh tiến hành trưng cầu dân ý.
Dù vậy, ngay cả khi Đức thể hiện vai trò lãnh đạo, vẫn có những xáo trộn, như khi một quốc vương trẻ bắt đầu nắm quyền lực. Nhiều nhà phê bình cho rằng bà Merkel đã xử trí không đúng cuộc khủng hoảng người tị nạn. Bà khuyến khích dòng người đổ về với quan điểm mở rộng vòng tay chào đón, trước khi đột ngột đóng cửa thông qua một thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ.
Giao tranh vẫn tiếp diễn tại Ukraine, trong khi cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp là ví dụ điển hình cho thấy những bước đi nửa vời có thể kích hoạt sự hỗn loạn về kinh tế, chính trị và xã hội ra sao.
Dù vậy thì theo nhiều người Đức, nếu không có quá trình tạo dựng sự đồng thuận của bà Merkel, mọi thứ tại châu Âu có thể còn tệ hơn nhiều.
"Đức không tìm kiếm vị thế lãnh đạo trên trường quốc tế", ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier khẳng định trong một thông cáo mới đây. "Thay vào đó, Đức nổi lên như một người chơi trung tâm bằng cách giữ vững sự ổn định trong khi thế giới xung quanh thay đổi".
Không ai cho rằng Đức sẽ chuyển hướng mạnh mẽ sang sức mạnh quân sự trong tương lai gần. Berlin đã có những bước đi đáng kể bằng cách vũ trang cho các nhóm người Kurd chống nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), và hỗ trợ các đồng minh thông qua các chuyến bay do thám tại Syria. Nhưng sự tuân thủ với chủ nghĩa hòa bình thời hậu Thế chiến II vẫn là động lực chính trong chính sách đối ngoại của nước này.
Dẫu vậy, Đức có thể hành động nhiều hơn, so với sự uể oải của người Anh, tại châu Âu và xa hơn thế. Ngoại trưởng Steinmeier có thể chủ động vận động cho việc Đức trở thành thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Còn bà Merkel, trước sự mạnh lên của người Nga trong khi quân đội Đức được trang bị đầy những vũ khí cũ và nhiều lỗi, đang ủng hộ việc tăng chi tiêu quốc phòng.
Thế nhưng đang có thêm ngày một nhiều câu hỏi xuất hiện, quanh việc liệu châu Âu có cho phép Đức dẫn dắt hay không. Thay vào đó, hình ảnh bà Merkel đứng cạnh những người đồng cấp đến từ Pháp và Italy trong buổi sáng thứ hai hậu Brexit cho thấy có vẻ như một "câu lạc bộ" những người ra quyết định đang thành hình.
Trong khi đó, một cuộc "nổi loạn" cũng đang âm ỉ tại Rome và Paris phản đối chính sách thắt lưng buộc bụng của bà Merkel. Họ muốn chính nữ thủ tướng, chứ không phải các quốc gia còn lại, mới là người phải nhượng bộ.
Việc này làm leo thang lo ngại rằng không có ai thực sự đứng ra dẫn dắt châu Âu. Khi được hỏi các quyết định để thúc đẩy châu Âu sẽ được ra như thế nào, cựu ủy viên EU Guenter Verheugen, một người Đức, cho biết: "Tôi không có câu trả lời thuyết phục cho điều đó".
"Tôi lo ngại", ông nói. "Tôi thực sự lo ngại".
Xem thêm: Nhiệm vụ chông gai chờ đợi tân thủ tướng Anh hậu Brexit
Cú ngáng khiến thủ lĩnh Brexit trượt giấc mơ thủ tướng Anh
Hoàng Nguyên