Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte từ khi lên nắm quyền hồi cuối tháng 6 liên tục đưa ra những bình luận công kích Mỹ. Ông từng đe dọa thóa mạ Tổng thống Mỹ Barack Obama, yêu cầu lính Mỹ hiện diện ở khu vực bất ổn Mindanao của nước này phải rời đi hay tuyên bố ngừng tập trận chung với Mỹ ở Biển Đông.
Hôm 4/10, ông quả quyết rằng Philippines sẵn sàng cắt đứt quan hệ với Mỹ để ngả về phía Nga và Trung Quốc. Ngay sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines đã lên tiếng "chữa cháy", cho biết Tổng thống Duterte nói vậy có thể là do ông chưa được cung cấp đầy đủ thông tin thỏa đáng về mối quan hệ Mỹ - Philippines. Tuy nhiên, tuyên bố mới nhất từ ông Duterte vẫn khiến giới chuyên gia "giật mình", lo nghĩ về một viễn cảnh mà ở đó hai đồng minh lâu năm không nhìn mặt nhau, theo CNN.
Mathew Davies, trưởng khoa Quan hệ Quốc tế, Đại học Quốc gia Australia, chuyên nghiên cứu về chính trị Đông Nam Á, nhận định nếu ông Duterte thực hiện đúng những gì đã nói, xa rời Washington để xích lại gần hơn với Moscow và Bắc Kinh, vị thế an ninh Mỹ mong muốn duy trì ở Đông Á sẽ bị suy yếu trầm trọng.
Khi Philippines rơi vào quỹ đạo ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc, Mỹ chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc thực thi nhiệm vụ bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông, Davies đánh giá.
Mỹ và Philippines hiện vẫn tiến hành các cuộc tuần tra chung trong khu vực. Hồi đầu năm, đôi bên còn ký một thỏa thuận củng cố quan hệ đồng minh. Washington và Manila thông qua danh sách 5 căn cứ ở Philippines để Mỹ luân phiên triển khai quân và chuẩn bị các cơ sở vật chất hỗ trợ cho chiến lược xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương. Đổi lại, Mỹ cung cấp nguồn vốn hỗ trợ nâng cấp cơ sở hạ tầng quân sự ở Philippines. Song Tổng thống Duterte cho hay ông muốn xem xét lại tất cả các thỏa thuận trên.
Việc ông Duterte thể hiện mong muốn lánh xa khỏi Mỹ cũng là một tín hiệu vui đối với Trung Quốc, Davies nhận xét.
Tòa Trọng tài Thường trực do Liên Hợp Quốc bảo trợ ở The Hague, Hà Lan, hồi giữa tháng 7 ra phán quyết về vụ kiện của Manila đối với Bắc Kinh ở Biển Đông, khẳng định Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong "đường lưỡi bò" mà nước này tự vẽ ra trên Biển Đông.
Thế nhưng, theo Davies, Tổng thống Duterte đến giờ tỏ ra không mấy quan tâm tới chiến thắng mà Philippines giành được trước Trung Quốc cách đây gần ba tháng. Ông dường như chú trọng vào việc làm thế nào để lợi dụng Trung Quốc nhằm tránh khả năng bị cô lập vì xúc phạm Mỹ hơn là những mối nguy tiềm ẩn với lợi ích quốc gia đến từ phía Bắc Kinh.
"Một Philippines không sẵn sàng theo đuổi những tuyên bố ủng hộ vị thế Mỹ trong khu vực là một Philippines không vì lợi ích của đồng minh lâu năm mà vì lợi ích cho chính đối thủ lớn nhất của đồng minh", Davies nhấn mạnh.
Mặt khác, tương lai quan hệ Mỹ - Philippines còn phụ thuộc rất lớn vào kết quả cuộc bầu cử Mỹ diễn ra tháng 11 tới đây. Davies dự đoán hai kịch bản điển hình.
Ông Duterte có nhiều nét tương đồng về tính cách với ứng viên tổng thống Mỹ đảng Cộng hòa Donald Trump. Nhưng bất chấp những điểm giống nhau, nếu Trump đắc cử, triển vọng về một mối hợp tác lâu bền Mỹ - Philippines sẽ xấu đi nhanh chóng.
Tỷ phú Trump chắc chắn không thể giữ thái độ thản nhiên, bình tĩnh như Tổng thống Mỹ Barack Obama trước những lời công kích, lăng mạ từ người đồng cấp Philippines. Đặc biệt, Trump lâu nay vẫn hoài nghi về giá trị của một số mối quan hệ đồng minh mà ông cho rằng chúng không đem lại gì cho lợi ích Mỹ.
"Hai cái đầu lãnh đạo quá nóng không phải một điềm lành đối với mối quan hệ ngoại giao", Davies nhận định.
Trái với ông Trump, nếu ứng viên tổng thống Mỹ đảng Dân chủ Hillary Clinton đắc cử, bà sẽ theo đuổi một đường lối ngoại giao mang tính truyền thống hơn. Chính quyền Clinton sẽ tiếp tục nỗ lực bồi đắp mối quan hệ đồng minh lâu dài với Philippines.
Bà Clinton được đánh giá là cứng rắn hơn ông Obama, nhưng cựu ngoại trưởng Mỹ cũng là một nhà ngoại giao dày dạn kinh nghiệm, người có thể bỏ ngoài tai những lời thóa mạ vì các lợi ích dài hạn. Bà Clinton có lẽ sẽ dành nhiều quan tâm hơn tới mục tiêu duy trì vị thế hiện tại của Mỹ trong khu vực. Và mối quan hệ tốt đẹp với Philippines chắc chắn là một mắt xích quan trọng để hoàn thành mục tiêu đó.
Hiện chưa rõ liệu ông Duterte có thực hiện đến cùng những lời đe dọa hay không. Chính sách ngoại giao mà Tổng thống Philippines theo đuổi cũng rất mờ hồ. Song theo Davies, "một Duterte nóng nảy nhưng ít hành động sẽ tác động xấu tới vị thế Mỹ song một Duterte lời nói đi liền hành động còn là mối nguy hiểm lớn hơn gấp bội phần". Washington vì thế cần khéo léo dung hòa hai thái cực này, ông nhấn mạnh.
Xem thêm: Philippines không dễ đoạn tình với vũ khí Mỹ
Vũ Hoàng