Nga và Mỹ tuần trước đạt được bản thỏa thuận ngừng bắn lịch sử cho Syria. Giới chuyên gia đánh giá đây là thành tựu ngoạn mục, có thể cứu sống nhiều dân thường, theo Reuters.
Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ những tác động tích cực của lệnh ngừng bắn còn tương đối hạn chế. Thỏa thuận chủ yếu vẫn xoay quanh một số vấn đề kỹ thuật như hoạt động cứu trợ, mục tiêu ngừng bắn trên thực địa và sự phối hợp chung chống các phong trào Hồi giáo mà cả Nga và Mỹ chưa tìm ra tiếng nói đồng thuận, cây bút Peter Apps bình luận.
Để thống nhất lệnh ngừng bắn, Mỹ và Nga đều chủ ý né tránh những vấn đề khó khăn, trong đó có số phận của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Chính nội bộ nước Mỹ cũng không thể thống nhất chính xác điều gì nên làm. Các nước châu Âu cũng trong tình cảnh tương tự khi mà những tác động chính trị của cuộc khủng hoảng di cư đang khiến giới lãnh đạo khu vực lo lắng. Nhiều quốc gia còn muốn cuộc chiến Syria kết thúc bằng bất cứ giá nào. Số khác kỳ vọng những kết quả cụ thể khác.
Tại Mỹ, vài quan chức Bộ Ngoại giao hối thúc chính quyền sử dụng biện pháp quân sự chống lại các lực lượng ủng hộ chế độ Assad bởi họ cho rằng những hành động của Tổng thống Syria suốt 5 năm qua, bao gồm cả việc sử dụng chất độc hóa học trong chiến tranh, cần bị trừng phạt.
Nhiều người theo trường phái tự do và bảo thủ kiểu mới lại phản đối. Theo họ, cách tiếp cận trên thiếu tính thực tế. Các biện phép như vậy không chỉ làm mất khả năng kiểm soát tình hình của Washington mà còn khiến cuộc chiến trở nên tồi tệ hơn, đồng thời gây khó khăn cho quá trình tái thiết Syria trong dài hạn.
Washington không có khả năng giải quyết vấn đề này cho đến khi cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào tháng 11 tới. Bất cứ ứng viên nào trở thành tổng thống sẽ phải đối mặt với bài toán giải quyết khủng hoảng Syria, bao gồm việc cân nhắc sử dụng biện pháp quân sự, đặc biệt tại Aleppo.
Chính vì thế, hoạt động phối hợp chung giữa Nga và Mỹ chống các phong trào Hồi giáo dường như sẽ phát huy tác dụng nhất định, giới quan sát nhận định. Mối hợp tác đó có ý nghĩa ở nhiều mức độ. Đầu tiên, gần như toàn bộ các cường quốc thế giới và khu vực cũng như lực lượng địa phương đều có chung quan điểm. Họ muốn tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo (IS) song vấn đề gây tranh cãi đặt ra là sau IS sẽ là ai.
Nếu chiến đấu cơ Nga, Mỹ và các nước khác cùng hoạt động trong khu vực, việc thiết lập hệ thống cảnh báo để ngăn chặn chạm trán nguy hiểm có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đến nay, Moscow và Washington vẫn phối hợp khá hiệu quả, thậm chí ngay cả khi không quân Syria thường xuyên không kích gần các lực lượng đặc nhiệm Mỹ.
Theo Apps, một vấn đề khác là hiện tồn tại nhiều nhân tố ngoài thế đối đầu Nga - Mỹ ảnh hưởng tới cuộc xung đột Syria. Iran, quốc gia ủng hộ Assad và các cường quốc Hồi giáo dòng Sunni, hỗ trợ phe đối lập, có quan điểm khác nhau. Thổ Nhĩ Kỹ, đang cử lực lượng tiến vào Syria, cũng có vai trò định hình cuộc chiến theo hướng trái với những ưu tiên của Nga và Mỹ.
Từ lúc Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ngăn chặn thành công cuộc đảo chính hồi tháng 7, Ankara tỏ ra không muốn lệ thuộc vào bất cứ cường quốc nào khi quyết định những chính sách quan trọng. Sau khi bị IS tấn công khủng bố liên tục gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ rõ ràng muốn tiêu diệt tổ chức này hơn bất kỳ quốc gia nào. Tuy nhiên, cùng lúc đó, Ankara cũng muốn làm suy yếu cả lực lượng người Kurd Syria. Những khác biệt trên càng trở nên rối rắm trong bối cảnh người Kurd là lực lượng ủy nhiệm thành công nhất của Washington ở Syria.
Trong tương lai, cuộc chiến Syria nhiều khả năng sẽ phải đi đến một thỏa thuận quốc tế. Lệnh ngừng bắn Kerry - Lavros là một trong những bước đệm quan trọng để vươn tới kết quả đó. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại nó sẽ chỉ như một cánh cửa mở sang chương mới cho cuộc khủng hoảng, Apps nhấn mạnh.
Xem thêm: Cuộc đàm phán khởi đầu với nghi kỵ kết thúc bằng pizza giữa Mỹ và Nga
Trần Việt