Ngày càng xuất hiện nhiều bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang từng bước thiết lập một mạng lưới căn cứ trên Biển Đông nhờ các hoạt động bồi đắp, xây dựng trái phép các bãi đá thành đảo nhân tạo. Giới phân tích nhận định những tiền đồn này sẽ thành nơi Bắc Kinh triển khai các hệ thống cảm biến cố định, ví dụ như radar hay thiết bị giám sát dưới nước, cũng như điều động đến đây những đơn vị tuần tra trên không và trên biển.
Lãnh đạo Trung Quốc dường như muốn biến Biển Đông trở thành một vùng chiến sự nguy hiểm đối với bất kỳ quốc gia nào, kể cả Mỹ, trong trường hợp xảy ra xung đột, chuyên gia James Goldrick từ Viện Chính sách Quốc tế Lowy ở Sydney, Australia, nhận định.
Theo ông Goldrick, một mục tiêu chiến lược mà Trung Quốc theo đuổi là xây dựng một căn cứ an toàn cho các hạm đội hải quân nước này, bao gồm cả tàu ngầm, ở vùng biển phía nam đảo Hải Nam, và tạo ra điểm xuất phát cho các hoạt động xa bờ.
Bên cạnh đó, nước này chắc chắn sẽ tìm mọi cách giám sát chặt chẽ nhằm không bỏ qua bất kỳ động thái nào dù là nhỏ nhặt nhất, diễn ra trên Biển Đông.
Đây thật sự không phải là bước phát triển mà Mỹ muốn chứng kiến. Washington lâu nay vẫn phản đối việc Bắc Kinh dựng "Vạn Lý Trường Thành bằng cát" trên Biển Đông với các đảo nhân tạo phi pháp.
Sự nguy hại ẩn sau những hòn đảo nhân tạo phi pháp này là các mục tiêu quân sự mà Trung Quốc che giấu với những yêu sách phi lý hay tuyên bố "chủ quyền" mơ hồ, phi lý trên Biển Đông, Goldrick nhấn mạnh. Dù vậy, với các thực thể nhân tạo này, Trung Quốc vẫn có khả năng tạo ra sự đã rồi trên Biển Đông để dần dần buộc các quốc gia khác phải chấp nhận và sống chung với chúng.
An ninh hàng hải Đông Nam Á phụ thuộc rất nhiều vào những hành động hiện tại và tương lai của Trung Quốc, theo Goldrick. Một khi các đảo nhân tạo được quân sự hóa để tạo tiền đề thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) ở Biển Đông, đó chắc chắn sẽ là nguồn cơn kích động những căng thẳng mới.
Nguy cơ thực sự nằm ở việc Trung Quốc sẽ đẩy cái gọi là "chủ quyền" của nước này đi quá xa và triển khai các lực lượng bán quân sự để ngăn chặn, quấy rối tàu cá hay những đơn vị liên quan khác của các quốc gia ven biển, điển hình như Philippines.
Nguồn cơn xung đột
Viễn cảnh trên có thể thành sự thật nếu Trung Quốc cảm thấy không hài lòng với phán quyết mà Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) đưa ra, liên quan đến vụ kiện "đường 9 đoạn" của Manila đối với Bắc Kinh, ông Goldrick đánh giá.
Xung đột cũng có thể xảy ra xuất phát từ lòng tham của Trung Quốc đối với nguồn tài nguyên thủy hải sản dồi dào ở Biển Đông, ông Goldrick bình luận. Bắc Kinh hiện tại nhận thức rõ rằng sản lượng đánh bắt cá của họ đang giảm sút đáng kể. Chính quyền tỉnh Hải Nam, Trung Quốc, từng thừa nhận có cung cấp các nhu yếu phẩm cần thiết và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho ngư dân để họ mở rộng ngư trường đánh bắt tại những vùng nước xa xôi hơn hay gia tăng thời gian đánh bắt trên biển.
Cả chính quyền trung ương lẫn địa phương Trung Quốc đều đang chịu áp lực phải hành động nhiều hơn vì quyền lợi cũng như đời sống của ngư dân. Những sức ép ấy tích tụ lâu ngày có thể trở thành động cơ khiến họ đưa ra hành động trực tiếp chống lại các đối thủ cạnh tranh, chuyên gia nhận xét.
Nếu kiên quyết muốn đánh bật các nước khác ra khỏi khu vực, Bắc Kinh có nguy cơ đẩy Biển Đông vào một tình thế đầy nguy hiểm, đe dọa tới nền hòa bình tồn tại bấy lâu nay, ông Goldrick nhấn mạnh. Thay vì chấp nhận những thực thể nhân tạo mà Trung Quốc tạo dựng ở Biển Đông như một "sự đã rồi", các quốc gia khác có liên quan sẽ phản ứng dữ dội để chống lại chúng.
Theo chuyên gia này, các đảo nhân tạo phi pháp trên Biển Đông sẽ không biến mất, nhưng chúng sẽ khiến nỗi bất bình của các nước trong khu vực dâng cao rồi có thể dẫn tới những hành động phản kháng, ở cả cấp độ địa phương lẫn quốc gia.
Với vị thế là một quốc gia đang tìm cách leo lên vị thế số một ở cả khu vực và trên trường quốc tế, Trung Quốc sẽ bằng mọi giá để kéo dài thời gian kích nổ quả bom nổ chậm này.
Nhưng theo Goldrick, nếu muốn vô hiệu hóa hoàn toàn quả bom ấy, Trung Quốc cần thay đổi chính sách tiếp cận đối với các vấn đề Biển Đông, ứng xử một cách tinh tế và nhạy cảm hơn, thứ vẫn thiếu vắng trong hành động của nước này từ trước đến nay. Cuối cùng, Biển Đông cần phải được duy trì như những gì nó vốn có, một không gian tự do, ông này khẳng định.
Xem thêm: Ý đồ của Trung Quốc khi thỏa thuận riêng về Biển Đông với 3 nước ASEAN
Vũ Hoàng