Những ngày này, không khí đau thương đang bao trùm thủ đô Brussels của nước Bỉ, trái tim của châu Âu, khi những vụ đánh bom kinh hoàng hôm 22/3 cướp đi sinh mạng của ít nhất 31 người và khiến gần 270 người bị thương, theo Reuters.
Karen J. Greenberg, giám đốc Trung tâm An ninh Quốc gia tại trường Đại học Luật Fordham, New York, Mỹ, cho rằng con số thương vong này là một bi kịch không thể chấp nhận được của thế giới văn minh trước bạo lực đẫm máu, nhưng phương Tây cần phải nhìn nhận một thực tế rằng, đó có thể là cái giá phải trả để có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến chống lại phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Những vụ đánh bom Brussels của IS chỉ thể hiện một điều rằng tổ chức khủng bố này đang trong cơn tuyệt vọng chứ không hề mạnh lên.
Gần đây, IS đã hứng chịu một loạt đòn đánh trời giáng vào uy tín và quyền lực của tổ chức khủng bố bị coi là nguy hiểm nhất thế giới này. Lãnh thổ do IS kiểm soát ở Iraq và Syria – nơi phiến quân "xưng hùng xưng bá" để thu hút chiến binh nước ngoài – đang dần bị thu hẹp lại trong suốt 15 tháng qua, và tốc độ đánh mất lãnh thổ đang ngày càng tăng lên. Kể từ tháng 1/2015, IS đã mất khoảng 22% lãnh thổ ở Iraq và Syria, trong đó có 8% bị mất trong những tháng đầu năm 2016.
Tháng trước, hàng nghìn trang tài liệu mật được cho là của IS chứa đựng tới 22.000 danh tính các chiến binh tham gia tổ chức này bị rò rỉ trên truyền thông châu Âu. Số tài liệu chứa đựng những thông tin nhạy cảm nhất về tên tuổi, nhóm máu, trình độ, kỹ năng của các chiến binh này được cho là một "mỏ vàng tình báo" giúp Mỹ và phương Tây có thể nghiên cứu cách thức đối phó hiệu quả với phiến quân.
Chỉ 4 ngày trước khi vụ khủng bố Brussels diễn ra, cảnh sát Bỉ đã giăng một mẻ lưới lớn, tóm gọn Salah Abdeslam, nghi phạm chính còn sống sau vụ thảm sát Paris, kẻ đã lẩn trốn suốt nhiều tháng qua tại một xóm liều ở thủ đô nước Bỉ.
Nhà chức trách Bỉ thông báo rằng Abdeslam bước đầu đã hợp tác với cơ quan điều tra, và rất có thể anh ta sẽ cung cấp những thông tin quý giá về mạng lưới, âm mưu và nhiều khả năng là những cái tên của những kẻ khủng bố đang náu mình trong lòng nước Bỉ, sẵn sàng đe dọa an ninh của cả châu Âu.
Sự cộng hưởng của các sự kiện trên, đặc biệt là sau vụ bắt giữ Abdeslam, kẻ có thể biết rất nhiều về mạng lưới khủng bố đang rình rập chờ thời cơ trong lòng nước Bỉ, có thể là "giọt nước tràn ly" đẩy nhóm phiến quân ở Brussels vào tình trạng cùng quẫn, hoảng loạn.
Khi khám nhà Ibrahim el-Bakraoui, nghi phạm chết trong vụ đánh bom tự sát ở sân bay Brussels, cảnh sát Bỉ phát hiện một thông điệp được lưu trữ trong máy tính của tên này. Trong thông điệp đó, Bakraoui nói rằng anh ta đang cảm nhận được sức ép ngày càng lớn. Anh ta cho rằng mình đang "vội vã, không còn biết phải làm gì, và bị săn lùng khắp mọi nơi, không còn cảm thấy an toàn".
Dù nhóm này đã lên kế hoạch khủng bố, tập hợp và chế tạo bom, lựa chọn người đánh bom tự sát, nhưng có vẻ như vụ tấn công của chúng được thực hiện trong tâm thế vội vàng. Người tài xế taxi Bỉ chở ba nghi phạm đến sân bay kể rằng chúng đã phải bỏ lại chiếc túi chứa nhiều chất nổ nhất, vì không để vừa cốp xe, và rất có thể nhiều sinh mạng đã được cứu nhờ điều đó.
Tại sân bay, một quả bom không phát nổ như dự kiến, và có vẻ như tên đánh bom đã hoảng loạn và tháo chạy khỏi hiện trường, một quan chức Bỉ cho biết. Những điều này cho thấy nhóm phiến quân IS náu mình tại Brussels có thể đã ra tay trong tình thế bị dồn vào bước đường cùng.
Cơn hoảng loạn
Theo Greenberg, ba vụ đánh bom ở Brussels của IS được thực hiện rất giống với những thủ đoạn trong "sách giáo khoa khủng bố" mà phiến quân al-Qaeda từng áp dụng. Mục tiêu của chúng luôn là những địa danh nổi tiếng quốc tế, nơi tập trung nhiều dân thường và các tổ chức quốc tế như NATO hay Ủy ban châu Âu. Thủ đoạn của chúng là huy động nhiều kẻ đánh bom tự sát, sử dụng thuốc nổ tự chế và thực hiện các vụ đánh bom có phối hợp để gây ra thương vong cao nhất.
Các vụ tấn công vào hệ thống giao thông công cộng của Brussels gồm sân bay và tàu điện ngầm gợi nhớ lại những vụ đánh bom xe bus và tàu điện ở London năm 2005 và vụ khủng bố nhà ga Madrid năm 2004, khiến hàng trăm người thiệt mạng.
Tuy nhiên, Greenberg chỉ ra rằng có sự khác biệt rất lớn giữa những vụ tấn công trước đây của al-Qaeda và các vụ đánh bom mới đây của IS ở Brussels. Trong vụ khủng bố 11/9 ở Mỹ cũng như các vụ đánh bom ở Madrid hay London, phiến quân al-Qaeda đang trên đà trỗi dậy, sử dụng khả năng hủy diệt của mình để làm chấn động thế giới.
Trước vụ 11/9, Osama bin Laden đã nhiều lần tìm cách gây chú ý với Mỹ nhưng không thành công. Có thể kể đến các cuộc đánh bom vào đại sứ quán Mỹ ở Kenya và Tanzania vào năm 1998, vụ đánh bom tàu tên lửa dẫn đường USS Cole vào năm 2000, và vụ tấn công căn cứ không quân Mỹ ở Khobar Towers, Arab Saudi năm 1996, tất cả đều nhanh chóng rơi vào quên lãng. Vụ tấn công và tòa nhà Trung tâm Thương mại Thế giới ngày 11/9/2001 đã thay đổi tất cả.
Trong khi đó, những vụ tấn công đẫm máu của IS thường được tiến hành khi nhóm này rơi vào tình thế khó khăn nhất. Trước khi vụ thảm sát Paris diễn ra, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố phương Tây đã thu được những thành công đáng kể trong cuộc chiến chống IS.
Video: Vụ khủng bố ở Brussels diễn ra như thế nào
Theo các chuyên gia phân tích, mục đích của các vụ tấn công khủng bố là nhằm gieo rắc nỗi sợ hãi cho đối phương, thể hiện sự tự tin và sức mạnh của các tổ chức khủng bố. Thế nhưng IS có vẻ như đã không làm được điều đó bằng những vụ tấn công mới nhất. Mỹ và các nước châu Âu vẫn thể hiện quyết tâm chống khủng bố đến cùng, trong khi các vụ đánh bom, xả súng không giúp IS cứu vãn được tình hình ngày càng tồi tệ ở Iraq và Syria.
Ông Greenberg cho rằng trong cơn khốn quẫn hiện nay, khi lãnh thổ ở Trung Đông ngày càng bị thu hẹp, IS sẽ rơi vào tình thế hoảng loạn, buộc phải điều thêm các thành viên trở về châu Âu như một phương thức khả thi hơn để phô trương thanh thế của chúng, và đó cũng là cơ hội để các nước châu Âu tấn công mạnh mẽ hơn nữa vào các mạng lưới khủng bố.
Để làm được điều đó, chuyên gia này nhấn mạnh rằng lực lượng hành pháp ở châu Âu cần phải thực thi chính xác nhiệm vụ của mình, đó là vạch mặt những kẻ từ Syria xâm nhập vào châu Âu, xác định các thành viên khác trong mạng lưới của chúng, truy bắt vũ khí và các phần tử chịu trách nhiệm cho những vụ đánh bom.
Giới truyền thông, dư luận và các quan chức châu Âu cũng phải góp sức vào cuộc chiến bằng cách có những phản ứng thích hợp để cho IS thấy rằng họ không sợ hãi cơn hoảng loạn của chúng, Greenberg nói.
Khi bị dồn vào chân tường, IS có thể gieo rắc thêm bạo lực trước khi thòng lọng siết chặt vào cổ chúng, nhưng phương Tây cần phải quyết tâm duy trì áp lực lên nhóm phiến quân cả trong và ngoài nước. "Nguy cơ từ chủ nghĩa khủng bố đòi hỏi sự cảnh giác thường trực trong cuộc sống hàng ngày, cũng như ý chí lâu dài, không hơn không kém", ông Greenberg nhấn mạnh.
Xem thêm: Vì sao Bỉ dễ trở thành mục tiêu của những kẻ khủng bố
Trí Dũng