Hiện chưa bên nào đứng ra nhận trách nhiệm cho vụ khủng bố tại sân bay Ataturk, thành phố Istanbul, khiến ít nhất 42 người chết và 240 người bị thương, nhưng giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tiếng cáo buộc phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) là thủ phạm, theo Washington Post.
Vụ đánh bom thứ 5 trong năm nay ở Istanbul nhằm vào trung tâm giao thông quan trọng bậc nhất Thổ Nhĩ Kỳ. Một tay súng kích hoạt khối thuốc nổ tại khu vực đón khách đến tại tầng trệt của sân bay. Nghi phạm thứ hai vài phút sau cho nổ một quả bom khác trong khu khởi hành ở tầng trên. Cuối cùng, tên thứ ba kích nổ bom tự sát tại bãi đỗ xe giữa lúc mọi người đang nhốn nháo, hoảng loạn tháo chạy, tìm nơi ẩn nấp.
Bình luận viên Erin Cunningham từ Washington Post nhận định cuộc tấn công nhằm vào một trong những sân bay đông đúc nhất thế giới, biểu tượng của nền kinh tế hiện đại Thổ Nhĩ Kỳ, sẽ đẩy nước này vào một cuộc chiến sâu rộng hơn với IS.
"Nếu IS thật sự đứng sau vụ việc thì đây không khác gì một lời tuyên chiến", Soner Cagaptay, giám đốc Chương trình Nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ tại Viện Washington về Chính sách Cận Đông, nhận xét. "Cuộc tấn công vừa qua hoàn toàn khác biệt, về phạm vi, mức độ ảnh hưởng cho đến số người thương vong".
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, người khắc họa bản thân như một lãnh đạo mạnh mẽ, bảo thủ "sẽ không thể bỏ qua chuyện này", ông Cagaptay cho hay.
Giới phân tích cho rằng sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ vào cuộc chiến chống IS do Mỹ đứng đầu hiện nay vẫn còn miễn cưỡng. Các lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ nhiều năm qua dường như phớt lờ mọi hoạt động của IS tại khu vực biên giới tiếp giáp Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ muốn lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Asssad và coi IS như một vũ khí giúp họ chống lại lực lượng người Kurd đang đấu tranh đòi quyền tự trị.
Mặt khác, IS được cho là đang vận chuyển vũ khí, chiến binh thông qua Thổ Nhĩ Kỳ. Việc Ankara chỉ áp dụng những biện pháp kiểm soát lỏng lẻo tại khu vực biên giới tạo điều kiện để phiến quân phát triển một mạng lưới chân rết trải dài bên trong Thổ Nhĩ Kỳ.
Thời điểm Ankara gia nhập liên minh chống IS do Washington dẫn đầu cũng là lúc các mạng lưới của IS bên trong Thổ Nhĩ Kỳ xác định được mục tiêu tấn công mới. IS đã nhận trách nhiệm hoặc bị cáo buộc tiến hành ít nhất 5 vụ đánh bom tự sát nghiêm trọng ở Thổ Nhĩ Kỳ trong năm nay.
Sau vụ đánh bom, xả súng tại sân bay Ataturk, khả năng đôi bên lún sâu vào một cuộc chiến toàn diện là vô cùng lớn, chuyên gia dự đoán. "Họ đã đi từ chiến tranh lạnh đến chiến tranh một phần và nay chuẩn bị tiến tới một cuộc chiến toàn diện", ông Cagaptay nói.
Nhưng câu hỏi đặt ra là liệu Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đồng minh của Mỹ, có thể thực sự gia tăng vai trò trong các chiến dịch chống IS ở Syria hay không.
Những cuộc không kích của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào các mục tiêu IS đã bị ngừng lại sau vụ việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi chiến đấu cơ Nga ở khu vực gần biên giới Syria hồi tháng 11 năm ngoái. Từ đó tới nay, Ankara chỉ thực hiện các nhiệm vụ giám sát, trinh sát trên không phận Thổ Nhĩ Kỳ.
Song Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan hôm qua đã có một cuộc điện đàm quan trọng. Ông Putin gửi lời chia buồn tới các nạn nhân trong vụ tấn công sân bay. Trước đó, ông Erdogan gửi một lá thư cho ông Putin, bày tỏ sự hối tiếc về vụ bắn hạ phi cơ Nga. Diễn biến đột phá này khiến nhiều người lạc quan rằng Thổ Nhĩ Kỳ hoàn toàn có thể dấn thân sâu hơn vào cuộc chiến chống IS trong tương lai.
Bên cạnh đó, theo Cagaptay, vụ khủng bố tại sân bay Ataturk chỉ là khởi đầu cho những cuộc tấn công tương tự sắp tới.
"Khả năng của IS dường như sẽ tiếp tục gia tăng", Ege Seckin, chuyên gia tại công ty phân tích rủi ro chính trị IHS Country Risk, đánh giá, đồng thời thêm rằng bản chất cũng như quy mô của các mạng lưới cực đoan ở bên trong Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khiến nhiệm vụ ngăn chặn chúng trở nên vô cùng khó khăn.
Xem thêm: Xuống nước xin lỗi Nga, Thổ Nhĩ Kỳ đầu hàng sức ép
Vũ Hoàng