Sau khi đoạn video ghi lại những lời nói tục tĩu của tỷ phú Trump trong một chương trình truyền hình cách đây hơn 10 năm bị Washington Post tiết lộ, ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa phải chịu sức ép và bất lợi lớn trước cuộc tranh luận thứ hai. Nhiều nhà phân tích thậm chí đã gọi đây là đòn knock-out đối với tỷ phú bất động sản.
Tuy nhiên, diễn biến cuộc tranh luận trực tiếp lần thứ hai tại đại học Washington, bang Missouri cho thấy ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Hillary Clinton đã không thể dễ dàng hạ đo ván đối thủ, thậm chí nhiều lúc còn rơi vào thế bí trước những đòn công kích dồn dập của ông Trump, theo Atlantico.
Dĩ công vi thủ
Theo giáo sư Jean-Eric Branaa thuộc đại học Sorbone, Pháp, ông Trump đã nhận rõ thế yếu của mình trước cuộc tranh luận, nên quyết định lựa chọn phương thức "dĩ công vi thủ", công kích cá nhân dồn dập như một biện pháp tự bảo vệ mình, trước một đối thủ được đánh giá có sự chuẩn bị kỹ càng và có bản lĩnh như bà Clinton.
Trước khi bắt đầu cuộc tranh luận, ông Trump chủ động xin lỗi dư luận Mỹ về đoạn video gây sốc vừa bị rò rỉ, đồng thời tung ra một quả bom, khi mời ba phụ nữ từng cáo buộc cựu tổng thống Bill Clinton quấy rối tình dục tham dự một cuộc họp báo, sau đó vào hội trường nghe tranh luận trực tiếp.
Trong 90 phút đối đầu với bà Clinton, ông Trump liên tiếp tung ra những đòn công kích cá nhân được đánh giá là có mức độ gay gắt chưa từng có, bất chấp cuộc tranh luận được tổ chức theo hình thức đối thoại với cử tri. Cuộc tranh luận trở thành một đấu trường nơi hai ứng viên chỉ tập trung tấn công cá nhân lẫn nhau, khiến nhiều nhà phân tích gọi đây là "bước ngoặt đen tối" trong lịch sử bầu cử tổng thống Mỹ.
Đòn tấn công hiếu chiến nhất của ông Trump nhằm vào bà Clinton là lời đe dọa sẽ bỏ tù cựu Ngoại trưởng Mỹ vì bê bối rò rỉ email. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử một ứng viên tổng thống tung lời đe dọa đối thủ như vậy trong một cuộc tranh luận.
Theo ông Branaa, lời đe dọa này có phần thái quá và gây sốc cho nhiều người, nhưng lại có tác dụng nhất định khi làm bà Clinton bối rối một lúc. Bằng cách nhấn mạnh với cử tri rằng những sai phạm của bà Clinton khi còn làm ngoại trưởng Mỹ không chỉ đơn giản xuất phát từ sự cẩu thả, ông Trump phần nào đã ghi được điểm đối với cử tri ủng hộ.
"Trong khi bà Clinton nỗ lực giữ thái độ điềm tĩnh, dành thời gian cho cử tri theo dõi và dư luận Mỹ, thì tỷ phú Trump luôn thể hiện mình đang ở thế tấn công đối thủ với những ngôn từ mạnh, thậm chí bạo lực", ông Branaa đánh giá.
Theo thống kê, "thảm họa" là cụm từ được ứng viên đảng Cộng hòa sử dụng nhiều nhất trong cuộc tranh luận.
Thoát khỏi thế hiểm nghèo
Theo bình luận viên Michel Colomès của Le Point, chính chiến thuật có phần hiếu chiến này đã giúp tỷ phú bất động sản tiếp tục trụ lại trong cuộc đua vào Nhà Trắng, sau một quãng thời gian được đánh giá tồi tệ nhất trong chiến dịch tranh cử của ông.
"Phong cách tấn công dồn dập của ông Trump phần nào giúp ông lấy lại hình ảnh sau màn trình diễn kém ấn tượng trong cuộc tranh luận đầu tiên. Dư luận Mỹ dường như đang cảm nhận rằng ông Trump, một chính trị gia mới, chưa từng được bầu vào bất cứ cương vị nào, đang dần cảm thấy tự tin và thoải mái hơn trên sân khấu diễn thuyết cũng như sân khấu chính trị Mỹ", ông Colomès khẳng định.
Theo bình luận viên Philippe Berry của Vingt minutes, chiến thuật ôn hòa hướng đến cử tri của bà Clinton cũng là nhân tố góp phần giúp ông Trump có cơ hội và thời gian để áp đặt chiến thuật công kích.
"Đây lẽ ra phải là hiệp đấu mà bà Clinton có thể hạ đo ván đối thủ chỉ sau 30 giây đầu tiên. Tuy nhiên, chính chiến thuật của cựu Ngoại trưởng Mỹ đã tạo điều kiện cho tỷ phú Trump thoát khỏi quả bom 'video tục tĩu' cuối tuần qua, và công kích ngược lại, nhằm vào tính trung thực của bà", bình luận viên Berry đánh giá.
Xem thêm: Trump trong thế chân tường trước cuộc tranh luận thứ hai.
Nguyễn Hoàng