Tại một cuộc họp báo hôm 24/4, Thủ tướng Angela Merkel được đề nghị hồi tưởng những khoảnh khắc thú vị nhất từng có với Tổng thống Obama trong 7 năm ông tại vị.
Câu trả lời ngắn gọn, khá lạnh lùng của bà giải thích vì sao bà trở thành đồng minh thân cận nhất bên ngoài nước Mỹ của ông Obama, đồng thời là người đồng điệu về tư tưởng chính trị trong một loạt vấn đề, từ Syria, tới chống khủng bố, hay đối phó với Nga trong khủng hoảng Ukraine. Ông Obama không thích các đồng minh quá phô trương, và bà Merkel càng không phải người như vậy.
Trước câu hỏi của phóng viên Đức, bà Merkel hơi nhíu mày và nói: "Tôi không muốn liệt kê và đánh giá vào lúc này", nữ thủ tướng đáp gọn lỏn. Còn quá nhiều việc quan trọng phải làm.
Trước phản ứng của bà Merkel, ông Obama - người thường quen nói dài dòng - cười tươi và tranh thủ dành lời ngợi khen bà Merkel. "Bà ấy là người có khiếu hài hước, nhưng không phải lúc nào bà ấy cũng thể hiện nó tại các buổi họp báo", ông Obama nói. "Bà ấy thường luôn nghiêm túc hơn nhiều trước mặt các bạn".
Một nụ cười thích thú ánh lên trên gương mặt bà Merkel, khiến các phóng viên ảnh đua nhau chụp lia lịa.
Video: Obama: 'Bà Merkel hài hước nhưng hiếm khi thể hiện trước báo giới'
Theo CNN, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã trở thành đối tác gần gũi nhất của Tổng thống Obama, mối quan hệ liên minh biến thành tình bạn được thiết lập bởi lợi ích chính trị chung và tính cách tương đồng.
Các quan chức cho rằng tính cách tương đồng đã vun đắp cho mối quan hệ đứng vững sau nhiều thách thức. Khi ông Obama mới nhậm chức, bà Merkel bày tỏ nghi ngờ về tổng thống tương đối trẻ tuổi. "Bà ấy không thích bầu không khí xung quanh hiện tượng Obama - nó trái ngược với cách nhìn của bà ấy về chính trị", Sidney Blumenthal, thân tín của ngoại trưởng Mỹ vào thời điểm đó, Hillary Clinton, trích dẫn thông tin từ một cựu đại sứ Mỹ tại Đức.
Sau đó, khi biết Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ nghe lén điện thoại di động của bà Merkel, Đức đã rất giận dữ. Hai lãnh đạo cũng bất đồng ý kiến về cách vực dậy nền kinh tế thế giới.
Nhưng cả hai đều là những người thực tế và lý trí. Và tình bạn của họ đã trỗi dậy từ những bất đồng. "Đối với tôi, tương lai với ngài tổng thống quan trọng hơn nhiều so với quá khứ", bà Merkel hôm 24/4 nói.
Đồng quan điểm
Theo thông cáo chính thức, ông Obama cuối tuần qua tới Đức để dự Hannover Messe, một triển lãm thương mại và công nghệ lớn với mục tiêu quảng bá các công ty và hàng hóa Mỹ. Sau cuộc họp báo, ông Obama và bà Merkel đã dự lễ khai mạc triển lãm. Sau đó, họ cùng ăn tối với các giám đốc điều hành của Mỹ và Đức.
Nhưng theo Washington Post, lý do thực sự ông Obama tới Đức thì đơn giản và trực diện hơn nhiều: Bà Merkel mời ông chủ Nhà Trắng tới. Và hai lãnh đạo đã có những phát biểu bảo vệ lập trường của nhau trong các vấn đề nóng của thế giới.
Châu Âu đang trải qua những ngày khó khăn, khi vừa đối diện chủ nghĩa khủng bố, vừa phải ứng phó với tình hình kinh tế bất lợi, cùng khủng hoảng di cư chưa từng có tiền lệ. Bản thân bà Merkel cũng đang trải qua những ngày áp lực, khi phải đối mặt với sức ép chưa từng có, một phần vì sự ủng hộ mạnh mẽ của bà dành cho những người di cư, đang lũ lượt đổ về châu Âu đông đảo nhất kể từ Thế chiến II.
Trong một nỗ lực nhằm giải tỏa sức ép, bà Merkel và các lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được một thỏa thuận hồi tháng trước, theo đó hầu như toàn bộ người di cư tìm cách vào châu Âu thông qua biển Aegean - bao gồm cả người Syria - sẽ bị trả về Thổ Nhĩ Kỳ. Đổi lại, Thổ Nhĩ Kỳ được nhận 6,6 tỷ USD cùng cam kết khởi động các cuộc đàm phán về khả năng gia nhập Liên minh châu Âu (EU).
Những thách thức mà bà Merkel phải đối mặt hiển hiện ngay trong cuộc họp báo, nhất là khi hai nhà lãnh đạo thảo luận về những cơ cực người tị nạn Syria đối mặt, và khả năng thiết lập vùng an toàn tại Syria.
Ông Obama đã lên tiếng bày tỏ sự cảm thông với những người Syria mắc kẹt trong cuộc nội chiến tại quốc gia này. "Chúng ta đều quan tâm sâu sắc tới cuộc khủng hoảng nhân đạo đầy bi kịch tại Syria. Tôi sống với nó mỗi ngày", ông Obama nói. Dù vậy ông Obama lại phản đối việc lập một vùng an toàn do Mỹ áp đặt để hạn chế số lượng người di cư. Bởi việc này có thể đòi hỏi điều động hàng nghìn binh sĩ và nhiều câu hỏi khó phải được giải đáp.
Bà Merkel không phản đối ý kiến này, nhưng bà cho rằng các đồng minh phương Tây phải tìm ra một cách, thông qua các cuộc đàm phán hòa bình với Nga, Iran và chính quyền Assad, để giúp bảo vệ những người dân Syria dễ bị tổn thương nhất. "Chúng ta phải gửi tới họ một thông điệp", bà Merkel nói về hàng nghìn người Syria đang cố gắng tháo chạy khỏi quê nhà tới châu Âu.
Hai nhà lãnh đạo cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và châu Âu có tên Đối tác Đầu tư và Thương mại Xuyên Đại Tây Dương (TTIP), đang hứng chịu phản đối mạnh mẽ từ một số người Đức. Ông Obama bày tỏ hy vọng một số tiếng nói phản đối tại Mỹ sẽ dịu bớt "sau khi mùa bầu cử sơ bộ qua đi".
Bà Merkel lên tiếng hậu thuẫn đối với thỏa thuận trên một cách rất rõ ràng: "Nó rất quan trọng cho kinh tế Đức, quan trọng cho kinh tế toàn châu Âu. Chúng ta phải quan tâm tới việc đẩy nhanh tiến trình đàm phán".
Nữ thủ tướng Đức cũng được hỏi về triển vọng làm việc với ứng viên tổng thống Donald Trump, người đang dẫn đầu cuộc đua vào Nhà Trắng của đảng Công hòa. Ông Trump từng gọi chính sách chào đón người di cư của bà Merkel là "điên rồ". Trước câu hỏi này, bà Merkel đáp ngắn gọn: "Trước hết, tôi cần tập trung cho nhiệm vụ 2016 ở phía trước. Tôi rất bận rộn với nó. Cám ơn rất nhiều".
Về phần tổng thống Mỹ, khi được hỏi liệu có cảm thấy tiếc nuối khi không thể tiếp tục nắm quyền như bà Merkel, người là thủ tướng từ năm 2005 và không bị giới hạn nhiệm kỳ, ông Obama trả lời rằng một đất nước rộng lớn và đa dạng như Mỹ cần "những trụ cột mới".
Nhưng ông Obama thấy mừng vì bà Merkel duy trì vị trí. "Thế giới hưởng lợi từ sự hiện diện vững vàng của bà ấy", ông nói.
Hoàng Nguyên