Chỉ vài giờ sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua các lệnh trừng phạt mới nhắm vào các ngân hàng, hoạt động xuất khẩu khoáng sản và tàu chở hàng của Triều Tiên, nước này đã phóng một loạt tên lửa tầm ngắn ra vùng biển phía đông, theo Bloomberg.
Đồng thời, truyền thông nhà nước Triều Tiên đưa tin lãnh đạo Kim Jong-un lệnh cho các binh sĩ sẵn sàng phóng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân bất kỳ lúc nào. Chính quyền nước này cũng hối thúc người dân chuẩn bị cho những tác động của lệnh trừng phạt mới, và kêu gọi nâng cao tự chủ về kinh tế.
Điểm mấu chốt khiến Bình Nhưỡng bất chấp lệnh trừng phạt khắc nghiệt nhất từ trước tới nay dường như là do ông Kim muốn khiến thế giới công nhận Triều Tiên là một cường quốc hạt nhân. Theo giới phân tích, việc này sẽ giúp nhà lãnh đạo trẻ được lưu danh vẻ vang trong lịch sử dân tộc, nhận được sự kính trọng từ giới tinh hoa, bao gồm nhiều lãnh đạo quân sự. Đồng thời, giới chuyên gia cũng cho rằng việc này giúp củng cố quyền lực mà ông Kim Jong-un lâu nay tìm kiếm thông qua nhiều cuộc thanh trừng cấp cao.
"Một phần dụng ý của những vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa là nhằm giúp củng cố vị thế trong nước của Kim Jong-un, giúp ông ta giành được những thành công có lợi cho vấn đề chính trị trong nước", Michael Madden, biên tập viên trang tin North Korea Leadership Watch nhận định. Madden cho rằng các động thái có thể nhằm "nhắm đến dư luận trong nước, cụ thể là để tuyên truyền tới những bộ phận dân chúng nhất định".
Nắm chặt quyền lực
Lên nắm quyền sau khi cố lãnh đạo Kim Jong-il qua đời cuối năm 2011, ông Kim Jong-un đã củng cố quyền lực bằng các vụ thanh trừng, mà gần đây nhất là vụ xử tử tham mưu trưởng quân đội hồi tháng trước, theo chính phủ Hàn Quốc.
Những đợt phế truất các quan chức cấp cao đã tạo ra cảm giác lo sợ trong hàng ngũ lãnh đạo chóp bu, báo cáo của cơ quan tình báo quốc phòng Hàn Quốc cho biết. Nhiệm vụ của ông Kim giờ đây là biến nỗi sợ hãi đó thành lòng trung thành thực sự.
Một trong những cách để làm điều đó là đánh bóng hình ảnh thông qua những thành tựu về hạt nhân. Ông Kim là người chỉ đạo 2/4 vụ thử hạt nhân của Triều Tiên, và sửa đổi hiến pháp để đề cao vị thế của nước này là cường quốc hạt nhân. Trong chưa đầy 5 năm, ông Kim đã ra lệnh thực hiện ba vụ phóng tên lửa tầm xa, trong khi cha của ông cần hơn 10 năm để tiến hành số vụ phóng tương tự.
Thích nghi với lệnh trừng phạt
Các vụ phóng tên lửa có ý nghĩa quan trọng bởi chúng cho thấy tiến bộ trong năng lực tên lửa đạn đạo, có thể phát triển tới mức mang đầu đạn hạt nhân vượt Thái Bình Dương. Trong khi đó, các cuộc đàm phán 6 bên (Hàn, Trung, Mỹ, Nhật, Nga, Triều Tiên) để tìm kiếm giải pháp hòa bình cho lo ngại an ninh về chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đã bị gián đoạn kể từ khi ông Kim nhậm chức.
Đến nay, quốc gia Đông Á này cho thấy họ có thể thích nghi với các lệnh trừng phạt. Triều Tiên vẫn hoạt động ngoài lề của hệ thống tài chính quốc tế. Doanh số thương mại toàn cầu của Bình Nhưỡng rất nhỏ, khiến các biện pháp trừng phạt khó phát huy hiệu quả. Năm 2014, Triều Tiên xuất khẩu khoảng 3,6 tỷ USD hàng hóa, với 80% là sang Trung Quốc. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc là 605 tỷ USD.
Các lệnh trừng phạt kéo dài nhiều năm cũng không khiến người dân Triều Tiên bất mãn với gia đình ông Kim, họ cho rằng Mỹ đứng sau mọi việc, từ nạn đói cho tới việc phải chi tiêu thật lớn cho quân sự.
'Thanh gươm công lý'
Theo Bloomberg, trong khi cố lãnh đạo Kim Nhật Thành nhắm tới vũ khí hạt nhân như biện pháp đảm bảo an ninh, còn ông Kim Jong-il dùng nó như công cụ để đổi lấy hàng viện trợ, thì ông Kim Jong-un dùng vũ khí hạt nhân để nâng cao uy tín với người dân trong nước.
Chỉ ít ngày sau vụ phóng vệ tinh vào quỹ đạo hôm 7/2, truyền hình nhà nước Triều Tiên đã phát hình ảnh ông Kim ngồi tại bàn làm việc trước một chiếc máy tính xách tay có vẻ do Apple sản xuất, khi đang di chuyển bằng chuyên cơ tới bãi phóng. Hình ảnh cũng cho thấy ông Kim chỉ đạo một nhóm các nhà khoa học trong lúc đứng trước một hệ thống tên lửa đẩy.
"Tôi nghi ngờ rằng họ không thật sự quan tâm đến việc phóng vệ tinh, mà chủ yếu là vì mục đích tuyên truyền trong nước, như là 'chúng ta thật vĩ đại, khoa học nước ta tiên tiến vì chúng ta có vệ tinh'", Jim Walsh, một nhà nghiên cứu tại Chương trình Nghiên cứu An ninh, Viện công nghệ Massachusetts, nhận định. "Có lẽ trọng tâm chính là nhằm vào dư luận trong nước và củng cố sự lãnh đạo của ông Kim".
Chính phủ Triều Tiên vẫn gọi chương trình vũ khí hạt nhân là "thanh gươm công lý quý giá", khiến họ không thể bị lật đổ như Iraq hoặc Libya. Không lâu sau vụ thử hạt nhân, Triều Tiên đã hối thúc chính quyền Mỹ "quen với việc Triều Tiên là một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân". Nhiều chuyên gia vũ khí thì hoài nghi về khả năng Bình Nhưỡng có thể thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để gắn lên các tên lửa tầm xa.
Trong lần tiếp đón một quan chức Trung Quốc hồi tháng 10/2015, ông Kim đã tránh đề cập từ "hạt nhân" trong bài phát biểu tại một sự kiện của đảng Lao động Triều Tiên, khi đứng cạnh vị quan chức này. Nhưng chỉ vài giờ sau, ông Kim huy động hàng nghìn người cầm đuốc xếp thành chữ "cường quốc hạt nhân" tại một cuộc diễu hành mà quan chức đó góp mặt.
"Uy tín và sự tôn trọng luôn là những yếu tố quan trọng trong các mối quan hệ quốc tế, và không có gì phải nghi ngờ, đây là một nhân tố thúc đẩy nhà lãnh đạo trẻ tuổi, chưa có nhiều kinh nghiệm như ông Kim", Mitchel Wallerstein, cựu trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về chính sách chống phổ biến vũ khí, nhận xét.
Tuy vậy, việc gắn chặt lấy hạt nhân có nguy cơ khiến Triều Tiên thêm bị cô lập và giảm cơ hội phục hồi kinh tế.
"Trên thực tế, những hành động khiêu khích quân sự tiếp theo sẽ chỉ nhận được kết quả ngược", ông Wallerstein quả quyết. "Nói cách khác, uy tín và sự tôn trọng không được nâng cao, mà chỉ có thêm các biện pháp trừng phạt. Và nếu họ còn tiếp tục, có thể xảy ra một cuộc tấn công quân sự nhằm vào các cơ sở hạt nhân và bãi phóng tên lửa".
Hoàng Nguyên