"Toàn bộ các nhân viên AirAsia của tôi, hãy mạnh mẽ lên, tiếp tục là số một", Fernandes viết trên tài khoản Twitter của mình tối qua, "Hãy cầu nguyện. Tiếp tục cố hết sức mình phục vụ hành khách của chúng ta. Hẹn sớm gặp lại các bạn". theo Inquirer.
"Hãy vững vàng lên AirAsia", Malaysia Airlines, hãng hàng không có máy bay số hiệu MH17 mất tích hồi tháng 7 cũng bày tỏ sự ủng hộ của mình đối với người đồng hương và đối thủ cạnh tranh. Hãng này đăng lên tài khoản Twitter, "Chúng tôi luôn dõi theo và cầu nguyện cho gia đình và bạn bè của những người trên chuyến bay QZ8501".
Máy bay Airbus A320-200 của hãng AirAsia chở 162 người trong chuyến bay tới Singapore, khởi hành từ sân bay quốc tế Juanda, Surabaya, thành phố lớn thứ hai Indonesia lúc 5h20 sáng hôm qua đã mất liên lạc với trạm kiểm soát không lưu khoảng một giờ sau khi cất cánh.
Sau sự việc này, hãng AirAisa lập tức thay đổi logo màu đỏ đặc trưng của mình bằng nền màu xám trên các trang mạng xã hội.
"Đây là cơn ác mộng tồi tệ nhất của tôi. Nhưng chúng tôi sẽ không đầu hàng", Fernandes nói.
Ông chủ hãng hàng không AirAsia sinh ngày 30/4/1964, là một doanh nhân người Malaysia. Ông là người sáng lập Tune Air Sdn.Bhd, người đầu tiên giới thiệu hãng hàng không giá rẻ AirAsia đến người dân Malaysia với khẩu hiệu "Giờ đây ai cũng có thể bay". Fernandes điều hành AirAsia, biến một hãng hàng không thương mại liên chính phủ thất bại trở thành một hãng hàng không đại chúng giá rẻ thành công.
Giữa năm 2003, ông vận động Mahathir bin Mohamad, thủ tướng Malaysia từ năm 1981 đến 2003, đề xuất ý tưởng thỏa thuận vùng bay mở với các nước láng giềng Thái Lan, Indonesia và Singapore. Kết quả là, các quốc gia này đã cấp quyền hạ cánh cho AirAsia và các hãng hàng không giá rẻ khác.
Bố của ông là người Ấn Độ, còn mẹ là người lai Bồ Đào Nha - châu Á, lớn lên ở Malacca, phía nam Malaysia. Hồi nhỏ, Fernandes thường theo mẹ đi bán hàng Tupperware, một hãng đồ gia dụng nổi tiếng của Mỹ.
Ông học đại học và lấy bằng kế toán ở trường Kinh tế London, nước Anh. Sau đó làm kế toán cho công ty Richard Branson ở London từ năm 1987 đến 1989. Sau đó ông trở về Malaysia và làm phó chủ tịch hãng đĩa nhạc Warner khu vực Đông Nam Á.
Tháng 9/2001, Fernandes mua lại AirAsia và trở thành giám đốc điều hành. Ông đã thế chấp nhà và rút hết tiền tiết kiệm để mua lại công ty này, lúc đó chỉ còn hai máy bay Boeing 737-300 và khoản nợ 11 triệu USD. Một năm sau, AirAsia trả hết nợ.
Fernandes nói rằng đó là thời điểm hoàn hảo để bắt đầu lại AirAisa. Sau sự kiện khủng bố 11/9/2001 ở Mỹ, giá cho thuê máy bay giảm 40%, các hãng hãng không sa thải một loạt nhân viên giàu kinh nghiệm. Ông cho rằng người Malaysia sẽ đón nhận một hãng hàng không có dịch vụ cắt giảm tối đa, giúp họ tiết kiệm thời gian và tiền bạc, đặc biệt trong bối cảnh thắt lưng buộc bụng này.
14 năm sau, AirAsia có trong tay hơn 80 máy bay, bay đi khắp 100 điểm đến tại hơn 15 quốc gia. Theo BBC, từ khi hoạt động đến giờ, hãng này chưa bao giờ xảy ra tai nạn chết người. Tháng 2/2014, tạp chí Forbes châu Á đánh giá tài sản ròng của Fernandes giá trị 650 triệu USD, xếp vị trí thứ 28 trong số những người giàu nhất Malaysia.
Hồng Hạnh