Geoffrey Thomas, một chuyên gia hàng không, đồng thời là biên tập viên của airlineratings.com, đã nói chuyện với một số cơ trưởng và tin rằng QZ8501 gặp điều kiện thời tiết khó khăn, nhưng đã bay quá chậm khi cố tránh nó.
"Các phi công tin rằng khi cố gắng tránh cơn bão bằng cách tăng độ cao, chiếc máy bay đã bay quá chậm, khiến máy bay mất cân bằng và chết máy, giống như vụ rơi máy bay Air France AF447 vào năm 2009", ông Thomas nói với AAP.
Máy bay Air France AF447 rơi xuống Đại Tây Dương vào năm 2009 khi đang trên đường từ Rio De Janeiro tới Paris.
"Tôi có một biểu đồ radar, trong đó chiếc phi cơ bay ở độ cao 36.000 feet (11.064m) và tăng độ cao ở vận tốc 353 hải lý (653km/h), chậm hơn so với tốc độ yêu cầu 100 hải lý (160km/h)", ông Thomas nói. Nếu biểu đồ này đúng thì "ở độ cao đó, vận tốc trên là cực kỳ nguy hiểm", ông nói thêm.
"Nó gặp phải một dòng khí đi lên cực lớn hoặc một điều gì đó tương tự", ông nói tiếp.
"Về cơ bản, chiếc phi cơ đang bay quá chậm so với độ cao và bay trong vùng không khí loãng, cánh máy bay không thể hoạt động chính xác ở tốc độ đó, khiến phi cơ tròng trành và chết sững", ông Thomas cho biết.
Ngoài ra, A320 tuy là dòng tân tiến, nhưng không được trang bị loại radar mới nhất. Loại radar tối tân, được hãng Qantas đi tiên phong vào năm 2002, có thể cung cấp đánh giá hoàn chỉnh và chính xác hơn về cơn bão, nhưng nó chưa được lắp đặt trên A320 cho đến năm sau.
"Nếu bạn không có radar đa năng, bạn sẽ phải nghiêng radar bằng tay, và phải nhìn xuống vùng bắt đầu cơn bão để xác định độ ẩm và mưa, sau đó bạn mới đánh giá được tình hình đến mức nào. Đó là thao tác thủ công, vì vậy có thể có sai lầm trong quá trình này. Điều này từng xảy ra", ông Thomas nói.
Chiếc máy bay của hãng hàng không AirAsia chở 162 người mất liên lạc với kiểm soát không lưu trên đường từ Surabaya, Indonesia, tới Singapore vào sáng 28/12. Phó tổng thống Indonesia cho biết phi cơ có thể đã rơi. Hoạt động tìm kiếm chiếc máy bay mất tích được nối lại trong ngày hôm nay với sự tham gia của nhiều nước.
Phương Vũ