Cuộc họp diễn ra tại Nhà Trắng ngày 22/5 sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden kết thúc sớm chuyến công du châu Á nhằm tìm cách đạt thỏa thuận giải quyết khủng hoảng trần nợ.
"Tôi lạc quan rằng chúng ta sẽ đạt được một số tiến bộ", Tổng thống Biden nói khi bắt đầu cuộc thảo luận với Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy, đồng thời cho biết cả hai bên đều có trách nhiệm quan trọng trong giải quyết bế tắc.
Trước cuộc gặp trực tiếp ngày 22/5, Tổng thống Biden điện đàm với Chủ tịch Hạ viện McCarthy khi ông trên đường từ Nhật Bản về nước. Ông McCarthy mô tả cuộc gọi là hiệu quả.
Mỹ hồi tháng 1 chạm trần nợ công 31,4 nghìn tỷ USD do quốc hội thiết lập, buộc Bộ Tài chính Mỹ phải triển khai các biện pháp đặc biệt để duy trì hoạt động của chính phủ. Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cảnh báo Mỹ có thể vỡ nợ vào ngày 1/6 nếu quốc hội nước này không giải quyết nâng trần nợ công.
Tổng thống Biden nói có quyền kích hoạt Tu chính án 14 để vượt quyền quốc hội và tránh Mỹ vỡ nợ, song thừa nhận biện pháp này đối mặt với nhiều thách thức pháp lý và không phải lựa chọn có thể sử dụng trong thời gian ngắn. Ông Biden cũng khẳng định cả 4 lãnh đạo quốc hội đều thống nhất không để đất nước vỡ nợ, do đó ông không cần dùng Tu chính án 14.
Theo Tu chính án 14, Tổng thống Mỹ được vượt quyền quốc hội nếu việc Nhà Trắng và quốc hội Mỹ không thể nâng trần nợ bị coi là vi hiến. Khi đó, Bộ Tài chính Mỹ có thể tiếp tục vay tiền vượt trần nợ để duy trì hoạt động của chính phủ.
Các chuyên gia kinh tế cảnh báo vỡ nợ sẽ gây ra nhiều hệ quả nghiêm trọng cho kinh tế Mỹ và an sinh xã hội. Chính phủ Mỹ sẽ không thể thanh toán các nghĩa vụ nợ, thị trường tài chính bị ảnh hưởng. Bộ Tài chính Mỹ có thể phải hoãn chi trả cho khoảng 66 người thuộc diện nhận trợ cấp hàng tháng.
Nguyễn Tiến (Theo AFP)