Lực lượng máy bay ném bom của Không quân Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAAF) mới đây tiến hành bay diễn tập vượt ra khỏi "chuỗi đảo thứ nhất" trên biển Hoa Đông, National Interest ngày 2/12 dẫn lời Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho hay.
Trong cuộc diễn tập này, máy bay ném bom chiến lược Tây An (Xian) H-6K đã bay gần 1.000 km, băng qua chuỗi đảo nối từ quần đảo Kuril ở phía bắc xuống quần đảo Ryukyu ở phía nam Nhật Bản, qua Đài Loan, Philippines, cho đến đảo Borneo và xuống đến bán đảo Malaysia. Đây được gọi là "chuỗi đảo thứ nhất", có vai trò như một tường thành nằm giữa Trung Quốc với vùng biển Thái Bình Dương.
Theo ông Thân Tấn Khoa, phát ngôn viên PLAAF, oanh tạc cơ H-6K cùng chiến đấu cơ hộ tống và máy bay cảnh báo sớm trên không đã bay qua eo biển Miyako ở phía nam đảo Okinawa của Nhật Bản hôm 27/11. Ông Thân tuyên bố các máy bay này đã thực hiện nhiệm vụ "tuần tra vùng nhận dạng phòng không (ADIZ)" mà Trung Quốc đơn phương thiết lập trên biển Hoa Đông.
Theo chuyên gia quân sự Dave Majumdar, cuộc diễn tập này là một hành động "thị uy", thể hiện Bắc Kinh nghiêm túc với việc thực thi ADIZ của họ trên biển Hoa Đông. Sự xuất hiện của các máy bay ném bom chiến lược H-6K cùng đội tiêm kích hộ tống, có thể là các biến thể Su-30 Flanker do Nga chế tạo, là một tín hiệu gửi tới Lầu Năm Góc và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản rằng họ nên "giữ khoảng cách".
Máy bay ném bom chiến lược tầm xa H-6K, phiên bản nâng cấp nhiều lần của máy bay Tupolev Tu-16 Badger của Liên Xô, là oanh tạc cơ nòng cốt của PLAAF. Dù dựa trên mẫu máy bay được chế tạo từ những năm 1950, H-6K được đánh giá là một loại oanh tạc cơ hiện đại với bộ khung, thiết bị cảm biến và động cơ phản lực được cải tiến rất nhiều.
Biến thể này thay thế động cơ phản lực Tây An WP8 cổ lỗ bằng động cơ tuốc-bin cánh quạt đẩy Soloview D-30-KP2 mới của Nga. Các động cơ cải tiến này kết hợp với việc sử dụng vật liệu nhựa composite mới trên khung máy bay giúp tăng bán kính tác chiến của H-6K lên 3.520 km, tăng hơn 30% so với phiên bản cũ.
Với hệ thống điện tử thông minh, máy bay H-6K không cần đến các áp kế kiểu cũ, còn buồng lái được làm hoàn toàn bằng kính giúp phi công tăng khả năng quan sát. Máy bay ném bom này cũng được trang bị một radar dò tìm mục tiêu mặt đất tầm xa, cùng hệ thống ngắm mục tiêu quang điện tử có độ chính xác cao.
Không giống các dòng máy bay Badger trước đó, H-6K được thiết kế chủ yếu để mang theo tên lửa hành trình. Nó có thể mang theo 6 tên lửa hành trình chống tàu và tấn công mặt đất tầm xa KD-20 hoặc YJ-12 trên cánh và thậm chí có thể mang thêm một vài tên lửa nữa bên trong khoang vũ khí. Loại máy bay này cũng được cho là có thể mang theo nhiều loại vũ khí dẫn đường chính xác khác. Điều này không chỉ biến H-6K thành một mối đe dọa không chỉ với các tàu chiến mà cả các căn cứ trên mặt đất của Mỹ và đồng minh.
H-6K chỉ là một thành phần trong chiến lược chống tiếp cận của Trung Quốc, trong đó có các tên lửa đạn đạo diệt tàu sân bay DF-21D mà Trung Quốc đang phát triển để đẩy lực lượng Mỹ ra xa bờ biển của mình.
Theo ông Majumdar, với việc phát triển H-6K, Trung Quốc đang đi theo chiến lược mà Nga áp dụng từ thời Chiến tranh Lạnh, đó là sử dụng các oanh tạc cơ chiến lược như Tu-22M hay Tu-160 để có thể tấn công các cụm tàu sân bay chiến đấu của Mỹ. Tuy vậy, H-6K không có bất kỳ khả năng nào có thể so sánh được với tốc độ cũng như năng lực tác chiến của các oanh tạc cơ Nga, ông đánh giá.
Theo chuyên gia quân sự Majumdar, để có thể thực sự vươn ra được Thái Bình Dương và trở thành mối đe dọa lớn đối với hải quân Mỹ và đồng minh tại khu vực này, Trung Quốc cần phải chế tạo được những oanh tạc cơ siêu nhanh như Tu-22M, hoặc một loại máy bay tàng hình thế hệ mới như F-35 của Mỹ hay T-50 của Nga.
Giới phân tích quân sự đánh giá dù Trung Quốc đã chế tạo được J-31, loại máy bay có hình dáng và tính năng gần giống như F-35 của Mỹ, nhưng thua kém rất nhiều về động cơ. Theo Majumdar, Trung Quốc hiện vẫn chưa sở hữu công nghệ phản lực đẩy cần thiết để phát triển một loại máy bay như vậy.
Duy Sơn