Khi Mỹ và Trung Quốc chuẩn bị tái khởi động đàm phán thương mại, rất ít nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh nhìn thấy lộ trình rõ ràng hướng đến một thỏa thuận lâu dài.
Hàng chục quan chức, cố vấn chính phủ và các nhà nghiên cứu ở Bắc Kinh tỏ ra bi quan về thỏa thuận thương mại sau cuộc gặp bên lề hội nghị G20 tháng trước giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Hầu hết họ đều coi chiến lược tranh cử của Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 là yếu tố có sức tác động lớn nhất đến khả năng đạt được thỏa thuận này trong ngắn hạn.
"Mục tiêu lớn nhất của Trump là tái đắc cử tổng thống năm 2020. Tất cả các hành động của ông ấy đều nhắm đến mục tiêu này", Ngụy Kiến Quốc, cựu thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc, hiện là chủ tịch Trung tâm Trao đổi Kinh tế Quốc tế Trung Quốc, nói.
Hơn một năm sau khi Trump áp các đòn thuế đầu tiên nhằm vào Bắc Kinh, cuộc xung đột giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới chỉ càng mở rộng thêm khi cả Tổng thống Trump lẫn Chủ tịch Tập đều đối mặt với sức ép chính trị trong nước. Tăng trưởng kinh tế chậm lại và các mối đe dọa nhằm vào những công ty lớn của cả hai nước càng khiến chiến tranh thương mại có nguy cơ kéo dài vào năm sau.
Nhiều quan chức Trung Quốc ngần ngại thảo luận về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020 vì lo họ có thể bị cáo buộc can thiệp vào bầu cử giống cách Nga bị điều tra trước đây. Tuy nhiên, có hai trường phái quan điểm về các tính toán chính trị của Trump đang xuất hiện tại Bắc Kinh.
Một trường phái cho rằng Trump phải đạt được thỏa thuận thương mại với Trung Quốc trước khi bước vào năm 2020 để làm hài lòng nhóm cử tri trung thành của ông. Bởi vậy, Tổng thống Mỹ nhiều khả năng sẽ nhượng bộ trước các yêu cầu từ Trung Quốc trong các vòng đàm phán trực tiếp tới đây.
Quan điểm thứ hai tin ông sẽ tiếp tục duy trì căng thẳng thương mại với Trung Quốc trong suốt cuộc vận động tranh cử, đặc biệt là nếu nền kinh tế và thị trường chứng khoán Mỹ vẫn trụ vững, bởi ông đang đối mặt với một nhóm ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ, những người về cơ bản ủng hộ chính sách cứng rắn trước Trung Quốc.
Bất chấp các "đòn đánh" của Trump trong hai năm qua, một số nhà hoạch định chính sách Trung Quốc tin rằng ông sẽ mang lại cho họ một thỏa thuận tốt hơn so với một tổng thống Mỹ đến từ phe Dân chủ. Họ lập luận rằng Trump là người thực dụng, vì vậy, sau khi ông tái đắc cử tổng thống, ông sẽ muốn làm bạn hơn là tiếp tục cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.
Quan điểm này phản ánh các lo ngại sâu kín từ lâu của một số người trong giới tinh hoa cầm quyền Trung Quốc về phe Dân chủ, đặc biệt là cảm nhận của họ về Hillary Clinton, người giữ ghế ngoại trưởng Mỹ trong 4 năm dưới thời tổng thống Barack Obama và luôn thể hiện lập trường cứng rắn với Trung Quốc.
"Người Trung Quốc và các tổ chức tư vấn chính sách nước này có ấn tượng xấu về phe Dân chủ và bà Clinton. Vấn đề lớn nhất với Trump là ông ấy rất khó đoán và không luôn làm những gì mình nói, nhưng ông ấy tạo ra ấn tượng là một người mà bạn có thể đạt thỏa thuận", ông Ngụy nhận xét.
Tuy vậy, một mối lo ngại phổ biến khác là liệu Trump có quá khó đoán đến mức không thể tin tưởng hay không. Dù phe Dân chủ thường quan tâm nhiều hơn về vấn đề nhân quyền và hợp tác với các đồng minh để gây sức ép với Bắc Kinh, họ nhìn chung đối xử Trung Quốc với sự tôn trọng và làm việc thông qua các tổ chức quyền lực quốc tế truyền thống.
"Tôi không nghĩ ông Tập sẽ thích nhìn thấy Trump tái đắc cử. Bất kỳ ứng viên đảng Dân chủ nào đắc cử, chính sách của họ với Trung Quốc cũng sẽ ít khắc nghiệt hơn", Shi Yinhong, cố vấn ngoại giao của Quốc Vụ viện Trung Quốc kiêm giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ ở Đại học Nhân dân Trung Quốc, nhận định.
Dù điều gì xảy vào năm 2020, hầu hết các quan chức Bắc Kinh đều đồng tình rằng Trung Quốc cần sẵn sàng ứng phó một cuộc đối đầu thương mại kéo dài.
Các nhà đàm phán Trung Quốc và Mỹ vẫn chưa ngồi xuống trong các cuộc gặp trực tiếp kể từ khi Trump - Tập bắt tay nhất trí thỏa thuận đình chiến thương mại. Trước khi gặp nhau, họ cần xác định điểm mà họ sẽ khôi phục đàm phán. Cả hai bên công khai đổ lỗi cho nhau làm sụp đổ đàm phán thương mại hồi đầu tháng 5. Kể từ đó, đòn kép Trump tung ra khi vừa tăng thêm thuế với hàng hóa Trung Quốc vừa đưa tập đoàn Huawei vào danh sách đen đã thu hẹp không gian ứng biến của ông Tập.
Theo phía Trung Quốc, điểm gây cản trở lớn nhất là yêu cầu của Mỹ duy trì mức áp thuế nhằm vào 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc cho đến khi Bắc Kinh thực sự tiến hành cải cách những chính sách với các doanh nghiệp nhà nước và tài sản sở hữu trí tuệ. Chấp nhận thỏa thuận mà không dỡ bỏ đòn thuế là điều không khả thi về mặt chính trị đối với ông Tập.
Tờ People's Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, từng ngầm cảnh báo trong các bài xã luận về "những kẻ đầu hàng" muốn Trung Quốc "trở thành một nước chư hầu bị kiểm soát và làm việc cho Mỹ". Tình thế đó đã làm giảm khả năng nhượng bộ của các nhà đàm phán thương mại Bắc Kinh, Wang Huiyao, cố vấn của Quốc Vụ viện Trung Quốc, bình luận.
Hơn nữa, theo Wang, các nhà đàm phán Trung Quốc cũng đang đối mặt với sự phản kháng từ các bộ ngành, khi nội dung dự thảo thỏa thuận trước đây được lưu hành trong nội bộ chính phủ nước này. Dù cả hai nước không chỉ ra cụ thể điều gì khiến đàm phán sụp đổ, các quan chức Mỹ ám chỉ rằng nguyên nhân là do Trung Quốc rút lại các cam kết thay đổi luật liên quan đến chuyển giao công nghệ bắt buộc và an minh mạng.
"Trump đã tạo cho những quan chức cứng rắn với Trung Quốc rất nhiều không gian vận động chính sách, khiến giờ đây việc kêu gọi một thỏa thuận thương mại sẽ là điều không khéo léo về chính trị", Wang nói.
Trump cũng có những mối lo chính trị riêng. Khi thông báo đình chiến thương mại, ông đã nói nhiều về việc Trung Quốc hứa sẽ mua thêm nông sản từ "các đồng bào tuyệt vời" ở vùng Trung Tây nước Mỹ. Tuy nhiên, những quan chức ở Bắc Kinh cho biết Trung Quốc không cam kết làm điều này trước khi đạt được một thỏa thuận thương mại cuối cùng với Mỹ.
Song các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh cũng nhìn nhận rằng sự sốt sắng tái khởi động đàm phán thương mại của Trump là một dấu hiệu cho thấy Mỹ sẽ không đẩy tình hình tới một cuộc xung đột gay gắt hơn kiểu Chiến tranh Lạnh hay một cuộc vận động tách rời kinh tế Mỹ - Trung. Động thái đưa Huawei vào danh sách đen đều gây tổn thương cho các công ty Mỹ và chắc chắn, việc bỏ rơi các doanh nghiệp lớn trước thềm một cuộc bầu cử quan trọng không phải điều khôn ngoan.
Hồng Vân (Theo Bloomberg)