Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do Mỹ hậu thuẫn đã triệt phá sào huyệt cuối cùng của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria, tuy nhiên, đây chưa phải là dấu chấm hết cho tổ chức này. Các chiến binh chưa hoàn toàn biến mất và các nhóm thề trung thành với IS vẫn tồn tại ở các quốc gia khác.
Hàng chục nghìn chiến binh và những kẻ ủng hộ IS đã hòa lẫn vào cộng đồng ở Iraq và Syria để hoạt động bí mật. Các vụ đánh bom và ám sát đang gia tăng ở cả hai nước.
Hồi tháng một, một kẻ đánh bom tự sát giết 15 người, trong đó có 4 người Mỹ, bên ngoài nhà hàng ở thành phố Manbij, Syria. Các chiến binh cũng phục kích một chiếc xe buýt chở lực lượng bán quân sự Hồi giáo dòng Shiite bên ngoài thành phố Mosul, Iraq ngày 7/3, khiến 6 người chết và 31 người bị thương.
Tại Afghanistan, tổ chức này hoành hành dưới cái tên IS Khorasan, có một thành trì ở tỉnh Nagahar và được cho là có hơn 2.000 chiến binh đóng ở đây. Nhóm này thực hiện hai vụ đánh bom ở Kabul hồi tháng 8 năm ngoái khiến hàng chục người thiệt mạng.
Đầu tháng ba, IS nã súng cối vào một sự kiện tưởng niệm ngoài trời ở thủ đô Afghanistan có sự tham dự của một số chính trị gia hàng đầu Afghanistan như lãnh đạo Abdullah Abdullah và cựu tổng thống Hamid Karzai. Ba người thiệt mạng và 20 người bị thương. Vụ tấn công dường như là âm mưu quấy rối khi các quan chức Mỹ và Taliban đang làm việc hướng tới một thỏa thuận hòa bình.
Mục tiêu tấn công của IS là các khu vực có nhiều người Hồi giáo Shiite sinh sống, làm dấy lên lo ngại rằng nhóm Hồi giáo dòng Sunni này đang cố gắng kích động xung đột tôn giáo ở Afghanistan. (Người Hồi giáo chia thành hai nhánh chính là dòng Sunni và Shiite, bắt nguồn từ bất đồng liên quan đến việc quyết định ai sẽ là người lãnh đạo cộng đồng Hồi giáo sau khi Nhà tiên tri Mohammed qua đời năm 632).
Các chiến binh cam kết trung thành với IS cũng xuất hiện ở Indonesia và Philippines. Hồi tháng một, nhà thờ ở Jolo, Philippines bị đánh bom khiến 20 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương.
Jolo là thành trì của Abu Sayyaf, được thành lập vào những năm 1990, đã cam kết trung thành với IS và có liên kết với al Qaeda.
Bộ trưởng Nội vụ Philippines cho biết một cặp vợ chồng người Indonesia đã được chi nhánh của IS giúp đỡ để thực hiện vụ đánh bom.
Các chiến binh IS đã rút khỏi các thị trấn và thành phố Libya nhóm này kiểm soát từ sau sự sụp đổ của chính quyền Muammar Gaddafi năm 2011. Tuy nhiên, họ đang tập hợp lại lực lượng tại các sa mạc ở nam Libya. Các chiến binh đã tấn công tự sát tại Bộ Ngoại giao Libya ở Tripoli tháng 12/2018.
Một chi nhánh khác của IS ở khu vực Sahara đứng sau vụ tấn công năm 2017 ở Nigeria khiến 4 binh sĩ Mỹ và 4 binh sĩ Nigeria thiệt mạng.
Hàng trăm chiến binh phương Tây của IS đã quay trở lại châu Âu sau quãng thời gian chiến đấu tại Iraq và Syria, gây lo ngại rằng họ có thể tiến hành các vụ tấn công ở đây. Ngoài ra, những người sống ở châu Âu ủng hộ hệ tư tưởng IS dù chưa bao giờ tới Syria hay Iraq cũng đặt ra mối đe dọa.
IS đã nhận trách nhiệm vụ khủng bố ở Paris tháng 11/2015 khiến 130 người thiệt mạng. 8 chiến binh mang súng và chất nổ chia thành ba nhóm đã nhắm vào những địa điểm nhiều người tụ tập, bao gồm nhà hát Bataclan và sân bóng đá.
Không chỉ vậy, IS vẫn còn khả năng cực đoan hóa, thu hút những kẻ ủng hộ mới và kích động bạo lực qua tuyên truyền trên mạng. Nhóm này có bộ máy truyền thông tinh vi thường đăng video và tin tức trên các ứng dụng tin nhắn và mạng xã hội.
Với sự hỗ trợ của các công ty công nghệ, chính phủ Anh, Mỹ và các nước phương Tây khác đã cố gắng ngăn chặn IS lợi dụng thế giới mạng để phát triển lượng người ủng hộ.
Tuy nhiên, chiến binh IS và những kẻ ủng hộ vẫn có thể liên lạc qua Internet, như qua Telegram, ứng dụng tin nhắn có mức độ bảo mật và riêng tư cao.
Theo Sky News