Hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ diễn ra trong hai ngày 28 và 29/6 ở Osaka, Nhật Bản. Sự kiện được đánh giá là nơi để các lãnh đạo thế giới thảo luận những vấn đề nóng nhất hiện nay trên toàn cầu như căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, căng thẳng Mỹ - Iran hay vấn đề hạt nhân Triều Tiên.
Đầu tiên, mọi sự chú ý sẽ tập trung vào câu hỏi liệu Trung Quốc và Mỹ, hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, có thể gạt bỏ những bất đồng để chấm dứt cuộc chiến tranh thương mại khốc liệt đang khiến kinh tế toàn cầu chao đảo hay không.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều khả năng sẽ đề cập đến vấn đề này trong cuộc gặp bên lề hội nghị. Đây là cuộc gặp riêng đầu tiên giữa hai lãnh đạo kể từ hội nghị thượng đỉnh G20 ở Argentina hồi tháng 12 năm ngoái.
Tuy nhiên, giới chuyên gia đang hoài nghi trước khả năng hai lãnh đạo sẽ đạt được một thỏa thuận mang tính đột phá nhằm chấm dứt cuộc chiến thương mại, khi Mỹ - Trung vẫn còn tồn tại quá nhiều bất đồng chưa thể khỏa lấp. Dù vậy, nhiều người tin rằng hai bên có thể đạt thỏa thuận "ngừng bắn" trong cuộc chiến áp thuế và đặt ra thời hạn mới cho thỏa thuận cuối cùng.
Cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Mỹ và Triều Tiên vốn bị đóng băng kể từ sau cuộc gặp không thành công giữa Tổng thống Trump và lãnh đạo Kim Jong-un tại Hà Nội hồi tháng hai cũng sẽ là chủ đề được nhiều người quan tâm tại hội nghị.
Những lần trao đổi thư từ gần đây giữa lãnh đạo Mỹ - Triều đã thắp lên niềm hy vọng rằng một hội nghị thượng đỉnh Trump - Kim lần ba sẽ được tổ chức trong tương lai không xa.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in mới đây cho biết Mỹ và Triều Tiên đang "bí mật đàm phán" để tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần ba và cho rằng quá trình liên lạc giữa hai bên vẫn diễn ra liên tục. Tuy nhiên, Triều Tiên hôm nay phản bác, cho rằng ông Moon đang "nói dối" về các cuộc đàm phán bí mật này nhằm "đánh bóng hình ảnh" của Hàn Quốc như một bên trung gian hòa giải.
Trong vấn đề này, Chủ tịch Trung Quốc được coi là đóng một vai trò then chốt. Tuần trước, ông vừa tới thăm Bình Nhưỡng và có các cuộc hội đàm với lãnh đạo Kim Jong-un. Giới quan sát dự đoán tại Osaka, ông Tập sẽ chuyển những thông điệp tốt đẹp từ Triều Tiên nhằm khởi động lại các nỗ lực ngoại giao.
Với các cường quốc khu vực cùng tham gia sự kiện như Mỹ, Arab Saudi và Nga, căng thẳng đang gia tăng giữa Washington và Tehran chắc chắn sẽ trở thành đề tài được quan tâm lớn bên lề hội nghị thượng đỉnh ở Nhật Bản.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã nỗ lực làm trung gian hòa giải căng thẳng bằng một chuyến đi lịch sử tới Tehran hôm 12/6, song cố gắng của ông bị lu mờ bởi vụ tấn công nhằm vào hai tàu dầu trên vịnh Oman. Mỹ cáo buộc Iran đứng sau sự việc nhưng Tehran bác bỏ.
Hôm 20/6, Iran bắn rơi một máy bay trinh sát không người lái (UAV) Mỹ. Tổng thống Trump đã định ra lệnh không kích Iran để đáp trả nhưng rút lại quyết định vào phút chót vì cho rằng không đáng để đánh đổi mạng sống của quá nhiều người dân Iran trong khi Mỹ chỉ bị mất UAV mà không chịu thiệt hại về người.
Bất chấp việc chủ nhà Nhật Bản cố tìm mọi cách để hướng sự chú ý của truyền thông vào các vấn đề hàng đầu như rác thải nhựa trên đại dương hay tình trạng già hóa dân số, các sự kiện bên lề của lãnh đạo nước Mỹ dường như sẽ làm mờ nhạt tất cả, đặc biệt là cuộc gặp với Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thống Trump được cho là sẽ gặp riêng người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại hội nghị, lần đầu tiên kể từ tháng 7/2018 ở Helsinki, nơi ông hứng không ít chỉ trích vì tỏ thái độ hòa giải quá mức với lãnh đạo nước Nga trong bối cảnh Moskva lúc bấy giờ đang bị cáo buộc can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016.
Bên cạnh đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đang hy vọng rằng mối quan hệ tốt đẹp giữa ông với người đứng đầu Nhà Trắng sẽ giúp Ankara xoa dịu sự tức giận của các đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về việc Thổ Nhĩ Kỳ mua tên lửa S-400 Nga. Mỹ đã đặt ra thời hạn cho Thổ Nhĩ Kỳ tới cuối tháng 7 phải từ bỏ thỏa thuận mua tên lửa Nga, nếu không sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt. Ankara cho rằng yêu cầu trên là "không phù hợp".
Masahiro Ichikawa, chiến lược gia cấp cao tại công ty quản lý tài sản Sumitomo Mitsui ở Tokyo nhận định thị trường toàn cầu sẽ theo dõi sát sao mọi diễn biến liên quan tới G20 nhưng khá dè chừng. "Kỳ vọng của thị trường về một bước đột phá có ý nghĩa trong đàm phán thương mại Mỹ - Trung không cao, vì thế bất kỳ dấu hiệu cải thiện nào cũng đều là tín hiệu tốt", Ichikawa nói.
Vũ Hoàng (Theo AFP)