Tân tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 20/5 có bài phát biểu nhậm chức gây chú ý, thể hiện rằng một diễn viên hài chưa từng có kinh nghiệm chính trị như ông có thể trở thành một chính khách ấn tượng. "Suốt cuộc đời mình, tôi đã luôn cố gắng để giúp mọi người cười. Giờ đây, tôi sẽ làm mọi thứ để người dân Ukraine ít nhất không phải rơi nước mắt thêm nữa", ông nói.
Để làm được điều đó, Zelensky sẽ phải vượt qua nhiều thách thức vì Ukraine vẫn mắc kẹt trong cuộc xung đột ở miền đông và chìm trong khó khăn kinh tế.
Tân tổng thống Ukraine đã giải tán quốc hội và kêu gọi tổ chức bầu cử quốc hội sớm vào ngày 21/7. Đảng của cựu tổng thống Petro Poroshenko và cựu thủ tướng Yulia Tymoshenko, những đối thủ ông đã đánh bại trong cuộc bầu cử, có thể sẽ cố gắng chiếm nhiều ghế trong cuộc bầu cử lập pháp.
Zelensky sẽ phải chứng tỏ khả năng đàm phán với các lực lượng chính trị để thúc đẩy cải cách. Nhà phân tích Oleksandr Medvedev cho rằng mức hảo cảm người Ukraine dành cho ông có thể không kéo dài lâu. Cử tri thường mong đợi cải cách diễn ra nhanh chóng trong vài tháng đầu tiên. Nếu không làm được điều đó, sau khoảng 6 - 9 tháng, họ sẽ chỉ trích ông.
Kể từ khi Ukraine độc lập vào năm 1991, họ đã có 5 tổng thống và trải qua hai cuộc nổi dậy vào năm 2004 và 2014. "Việc hài lòng rồi lại nhanh chóng không hài lòng với giới chức là chuyện bình thường ở đây", Paskhaver nói. "Zelensky sẽ đối mặt với các vấn đề sớm hơn so với những người khác vì ông ấy thiếu kinh nghiệm".
Các cử tri hy vọng lãnh đạo mới sẽ chấm dứt cuộc chiến kéo dài 5 năm với phe ly khai được Nga hậu thuẫn ở miền đông nước này.
Cuộc xung đột đã cướp đi khoảng 13.000 sinh mạng kể từ năm 2014 và là một gánh nặng lớn đối với kinh tế và xã hội. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực quốc tế để ngăn chặn đổ máu, các cuộc giao tranh lẻ tẻ giữa Kiev và phe ly khai vẫn tiếp tục diễn ra.
Trong chiến dịch tranh cử, cựu tổng thống Petro Poroshenko từng công kích Zelensky là không đủ năng lực đối phó Putin. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng việc Zelensky không có kinh nghiệm chính trị có thể là "làn gió mới" giúp ông đạt thỏa thuận với Kremlin, bên đã nói rằng họ không muốn làm việc với Poroshenko.
"Zelensky sẽ tìm kiếm các giải pháp ngoại giao và cố gắng tránh giải quyết xung đột thông qua các biện pháp quân sự", chuyên gia chính trị người Ukraine Mykola Davydyuk nói.
Ngay sau khi Zelensky đắc cử, Putin đã ký sắc lệnh đơn giản hóa quá trình cấp hộ chiếu Nga cho cư dân ở miền đông Ukraine. Phương Tây chỉ trích động thái này là "một cuộc tấn công mới vào chủ quyền Ukraine".
Trong chiến dịch tranh cử, Zelensky tuyên bố sẽ yêu cầu Putin "chấm dứt chiếm đóng lãnh thổ Ukraine", ám chỉ việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, Tuy nhiên, Zelensky nhấn mạnh sẽ không dùng vũ lực để thực hiện mục tiêu đó.
Tân tổng thống còn phải chứng minh cho người ủng hộ rằng ông không phải là "bù nhìn" của nhà tài phiệt Igor Kolomoysky, chủ sở hữu kênh phát sóng phim "Đầy tớ của nhân dân" mà Zelensky là diễn viên chính. Kolomoysky là một trong những người giàu nhất Ukraine, từng là thống đốc một khu vực vào đầu nhiệm kỳ của Poroshenko nhưng buộc phải từ chức sau bê bối liên quan đến công ty dầu mỏ nhà nước. Tuần trước, Kolomoysky, người sống lưu vong ở Israel, đã bay về Ukraine lần đầu tiên sau gần hai năm.
Sau khi nhậm chức, Zelensky chọn Andriy Bogdan, luật sư riêng của Kolomoysky, làm chánh văn phòng của mình. Động thái này càng khiến nhiều người nghi ngờ về mối quan hệ giữa ông với nhà tài phiệt.
Trong chiến dịch tranh cử, Zelensky bác bỏ cáo buộc ông là bình phong quyền lực của Kolomoysky và tuyên bố sẽ bỏ tù Kolomoysky nếu phát hiện ông này vi phạm pháp luật.
Một thách thức khác của Zelensky là vấn đề kinh tế.
Sau khi chính quyền thân Kremlin bị lật đổ năm 2014, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thông qua khoản vay 17,5 tỷ USD cho Ukraine để củng cố nền kinh tế đang gặp khó khăn.
Tuy nhiên, việc giải ngân quỹ thường bị trì hoãn vì chính quyền Poroshenko gặp khó khăn trong việc tiến hành cải cách theo yêu cầu của IMF, bao gồm các biện pháp chống tham nhũng và tăng giá khí đốt sinh hoạt.
Zelensky cho biết ông sẽ tiếp tục hợp tác với IMF và hứa sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để trả nợ.
Các nhà phân tích cảnh báo rằng đây sẽ là một thách thức lớn vì trong ba năm tới Ukraine sẽ phải trả nợ hơn 20 tỷ USD và mức tăng trưởng kinh tế của nước này đang chậm lại.
Tân tổng thống còn đang vướng vào tình huống phức tạp với Mỹ khi Ukraine tiến hành một số cuộc điều tra liên quan đến các công dân Mỹ có thể tác động đến cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.
Một cuộc điều tra nhằm vào công ty Burisma của một nhà tài phiệt Ukraine thân Nga. Con trai cựu phó tổng thống Mỹ Joe Biden, người mới tuyên bố tranh cử tổng thống, đã làm việc cho công ty này trong vài năm.
Cuộc điều tra còn lại liên quan đến nghi án người Ukraine có thể đã can thiệp vào bầu cử Mỹ năm 2016 theo hướng có lợi cho Hillary Clinton bằng cách rò rỉ các tài liệu bất lợi với cựu giám đốc chiến dịch của Trump, Paul Manafort.
Luật sư riêng của Trump, Rudy Giuliani, tuần trước có kế hoạch đến Kiev để đảm bảo chính quyền Ukraine không từ bỏ các cuộc điều tra nói trên vì ông cho rằng chúng có thể "rất, rất hữu ích" đối với Trump. Tuy nhiên, ông sau đó hủy chuyến đi và nói rằng xung quanh Zelensky "toàn là những kẻ thù của Tổng thống Mỹ". Ông đề cập đến nghị sĩ Sergiy Leshchenko, người đã công bố các tài liệu tiết lộ hàng triệu USD Manafort đã được trả trước năm 2014.
Alyona Getmanchuk, giám đốc Trung tâm New Europe Analysis ở Kiev, cho rằng Zelensky nên tránh hứa hẹn về bất kỳ kết quả điều tra cụ thể nào mà chỉ cam kết "đảm bảo một cuộc điều tra độc lập".
"Điều quan trọng nhất mà Ukraine có là sự hỗ trợ của cả hai chính đảng Mỹ. Làm phật lòng đảng này để ngả sang đảng khác là một ý tưởng tồi", bà nói.
Tình huống phức tạp này khiến nghị sĩ Serguiy Vysotsky nói với Zelensky rằng: "lễ nhậm chức không phải là hồi kết cuộc phiêu lưu của anh, đó mới chỉ là khởi đầu".
Phương Vũ (Theo AFP)