Việc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) hôm 19/7 bắt tàu dầu Stena Impero mang cờ Anh trên vịnh Hormuz được giới quan sát đánh giá là động thái mới nhất của nước này nhằm đáp trả các áp lực mà họ đang phải hứng chịu, khi căng thẳng giữa Tehran với Washington và các đồng minh lên cao.
Tehran cáo buộc tàu dầu Anh không tôn trọng các quy tắc hàng hải quốc tế vì tắt thiết bị phát đáp sau khi va chạm với một tàu cá Iran. Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng hành động trên là cách để Tehran trả đũa việc London bắt tàu dầu Grace 1 ở Địa Trung Hải với cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt của EU vì chuyển dầu đến Syria cách đây hai tuần.
Vụ bắt tàu Anh cũng diễn ra chỉ một ngày sau khi hải quân Mỹ tuyên bố bắn rơi máy bay không người lái Iran trên vịnh Ba Tư, song Tehran bác bỏ. Chính phủ Anh hôm qua phủ nhận những thông tin nói rằng họ lơ là bảo vệ tàu đi qua Vùng Vịnh. "Việc hộ tống mọi con tàu là điều bất khả thi", Bộ trưởng Quốc phòng Tobias Ellwood nói. Anh đang cử thêm một khu trục hạm và tàu hỗ trợ tới nhằm tăng cường bảo vệ cho các tàu của mình hoạt động trong khu vực.
Trước khi bắt tàu Stena Impero, Iran tháng trước cũng bắn rơi một máy bay trinh sát không người lái Mỹ. Tehran còn bị Washington cáo buộc thực hiện nhiều vụ tấn công nhắm vào các tàu dầu trên vịnh Oman, nơi 1/3 lượng dầu của thế giới được vận chuyển qua.
Tehran khẳng định không muốn một cuộc chiến tranh và ưu tiên biện pháp ngoại giao, nhưng họ đang làm lu mờ triển vọng đàm phán bằng những động thái kích động căng thẳng. Bằng cách này, Iran đang thực hiện chiến lược lâu nay họ vẫn áp dụng là đáp trả cứng rắn trước sức ép từ bên ngoài nhằm giành lợi thế trên bàn đàm phán với phương Tây, Suzanne Maloney, chuyên gia cấp cao tại Viện Brookings có trụ sở ở Washington, nhận định.
"Những động thái khiêu khích của Iran ở Vùng Vịnh giúp thúc đẩy chính sách ngoại giao với châu Âu hiệu quả hơn", bà nói. "Chúng nhắc nhở Tổng thống Donald Trump về những lợi ích đối với nước Mỹ khi tránh được kịch bản tăng giá dầu hay một chiến dịch can thiệp quân sự khác của Mỹ ở Trung Đông trong bối cảnh ông bắt đầu nỗ lực tái tranh cử".
Tuy nhiên, căng thẳng giữa Tehran và Washington cũng tiềm ẩn nguy cơ dẫn tới những tính toán sai lầm. "Xung đột vô tình có thể dễ dàng nhấn chìm toàn bộ khu vực và vượt khỏi tầm kiểm soát", Ali Vaez, giám đốc Dự án Iran tại Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, trụ sở ở Brussels, Bỉ, nhận xét. "Thực tế, áp lực tối đa từ các lệnh cấm vận của Washington đã khiến Tehran trở nên mất kiên nhẫn và thiếu thận trọng hơn".
Theo bình luận viên Sam Kiley từ CNN, bằng việc bắt tàu dầu nước ngoài, Iran đang đặt cược toàn bộ vào một ván bài mà những người theo chủ trương hiếu chiến tin rằng đáng để mạo hiểm, nhưng nó cũng gây ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín của Iran, ngay cả với các đồng minh và bạn bè.
"Ở thời điểm mà Iran dường như bắt đầu thu hút được thêm bạn bè và gây ảnh hưởng tới những quốc gia trong hành lang quyền lực thế giới, họ lại cho thấy mình hoàn toàn có khả năng trở thành một nguồn cơn gây bất ổn nguy hiểm, đúng như những gì các đối thủ đã mô tả về họ", Kiley đánh giá.
Khi Mỹ hồi năm ngoái rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và gia tăng các biện pháp trừng phạt lên nước này, Tehran đã nhận được sự cảm thông từ các nước như Anh, Pháp, Đức hay Liên minh châu Âu (EU). Nhưng với hành động vừa qua, sự ủng hộ đó đã không còn. Đức và Pháp tuyên bố quan ngại sâu sắc trước vụ Iran bắt tàu Stena Impero, đồng thời bày tỏ đoàn kết với Anh.
Iran chắc chắn giận dữ trước việc tàu dầu Grace I bị thủy quân lục chiến Anh bắt, nhưng hành động "ăn miếng trả miếng" này được coi là không cần thiết, khi hai nước đang tìm cách dàn xếp bằng con đường ngoại giao. Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zanganeh còn trấn an rằng vấn đề liên quan tới tàu Grace 1 đang được xử lý và "không có bất kỳ rắc rối nào".
Bởi vậy, việc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, lực lượng vũ trang có quyền lực rất lớn và thiên về chính sách cứng rắn, bắt tàu dầu Anh được cho là một hành động hấp tấp và đã xô đổ mọi nỗ lực đàm phán giữa hai bên. Anh đang cân nhắc các cách phản ứng phù hợp, trong đó có khả năng đóng băng tài sản hay tiếp tục áp trừng phạt lên Iran.
"Không có cơ sở hợp pháp cho một vụ bắt tàu như vậy, Iran đang thực hiện hành động xâm phạm đối với một con tàu có chủ quyền, về lý thuyết, có thể phải hứng chịu những phản ứng mạnh mẽ", Kiley cho hay. Dù sau này cuộc khủng hoảng sẽ được tháo gỡ ra sao, Iran sẽ không bao giờ xóa bỏ được nhận thức rằng họ thực sự là một nguồn cơn gây bất ổn, ngay cả đối với những quốc gia đang cố gắng giúp họ hòa nhập với cộng đồng quốc tế, bình luận viên từ CNN nhận xét.
Vũ Hoàng (Theo CNN, Wall Street Journal)