Nhà thờ Đức Bà Paris là một trong những công trình tiêu biểu của kiến trúc Gothic. Bên cạnh những tác phẩm nghệ thuật khắc họa hình ảnh Chúa Jesus hay những vị thánh trong Kitô giáo, Nhà thờ Đức Bà Paris còn nổi tiếng với các bức tượng quái thú bằng đá, được đồn là có nhiệm vụ bảo vệ nơi đây khỏi những linh hồn độc ác. Khi các bức tượng này được chế tác dùng làm máng dẫn nước, người ta gọi chúng là "gargoyle". Dù vậy, không ít người nhầm lẫn gargoyle là tên gọi chung chỉ tất cả những bức tượng sinh vật có hình thù kỳ dị của nhà thờ.
Thực tế, bộ sưu tập quái thú ở Nhà thờ Đức Bà Paris gồm gargoyle và các bức tượng sinh vật kỳ lạ khác dùng cho mục đích trang trí mang tên "chimera". Nhiều người cho rằng chính những bức tượng chimera và gargoyle đã tạo nên nét đặc sắc không pha trộn của Nhà thờ Đức Bà Paris.
Nhà thờ được xây từ những năm 1160 và quá trình xây dựng kéo dài trong gần 200 năm. Thời kỳ đầu, gargoyle không phải đặc trưng của kiến trúc Pháp. Tuy nhiên, tới giữa thế kỷ XIII, phong cách Gothic phát triển rực rỡ đã khiến các máng nước chạm khắc đầu quái thú gargoyle trở nên phổ biến.
Lấy cảm hứng từ những tạo tác lâu đời được tìm thấy trong các ngôi đền ở Ai Cập, Rome và Hy Lạp, các kiến trúc sư Pháp bắt đầu trang trí những công trình của mình bằng gargoyle từ thời Trung cổ. Để biến đổi hình ảnh quái thú cho phù hợp với văn hóa, họ tìm đến văn hóa dân gian Pháp, cụ thể là câu chuyện từ thế kỷ thứ VII về Thánh Romain và Gargouille, con quái vật biết phun lửa với chiếc đầu bị đóng đinh vào một nhà thờ để làm máng dẫn nước.
Thời điểm Nhà thờ Đức Bà Paris hoàn thành vào năm 1345, hàng chục máng nước đá vôi gargoyle được thêm vào trên các bức tường của công trình. Đóng vai trò vừa như sinh vật biểu tượng có nhiệm vụ bảo vệ nhà thờ vừa là máng xối nước, chúng mang vẻ ngoài khác biệt, gồm phần thân rỗng dẫn nước, cổ dài và một chiếc đầu giống đầu động vật. Thông thường, chúng cũng có cánh, tai nhọn và chân mọc móng vuốt gắn liền với thân. Tuy nhiên, nếu dùng đúng với chức năng thoát nước, các gargoyle có tuổi thọ không quá cao.
Trái với gargoyle, chimera lại là những bức tượng trường tồn với Nhà thờ Đức Bà và chúng có những đặc điểm riêng để phân biệt với nhau. Chimera không phải những tạo tác có từ thuở ban đầu của Nhà thờ Đức Bà. Thực tế, chúng chỉ được chạm khắc và bổ sung vào kiến trúc nhà thờ từ thế kỷ XIX.
Vào những năm 1800, Nhà thờ Đức Bà rơi vào khủng hoảng. Chán phong cách kiến trúc Gothic và có hứng thú với kiến trúc Baroque, người dân Paris lúc bấy giờ nộp đơn kiến nghị phá hủy nhà thờ vì nó đã xuống cấp. Nhưng nhờ có nhà văn Victor Hugo, kịch bản này đã không xảy ra. Nhằm nhắc nhở công chúng về ý nghĩa lịch sử quan trọng của nó, ông đã viết tác phẩm "Thằng gù Nhà thờ Đức Bà". Cuốn tiểu thuyết thành công đến mức nhà vua Pháp phải lên tiếng kêu gọi tân trang lại nhà thờ.
Năm 1844, hai kiến trúc sư Jean-Baptiste-Antoine Lassus và Eugène Viollet-le-Duc được giao nhiệm vụ khôi phục Nhà thờ Đức Bà. Họ thuê các nghệ nhân sửa chữa những nơi hư hỏng và bổ sung thêm các yếu tố mới, bao gồm ngọn tháp nặng 750 tấn, các bức tượng đồng và 56 bức tượng chimera.
Không giống gargoyle, chimera không nhô ra khỏi các bức tường bên ngoài nhà thờ. Thay vào đó, chúng xếp hàng trên Galerie des Chimères, một hành lang nối hai tháp chuông bắc và nam. Từ đây, chúng ngắm nhìn thành phố, đồng thời tô điểm cho vẻ đẹp có một không hai của Nhà thờ Đức Bà.
Bộ sưu tập chimera của Nhà thờ Đức Bà bao gồm những động vật đáng sợ, các giống lai tưởng tượng và các sinh vật huyền bí. Nhờ tính độc đáo, có hai bức tượng điêu khắc còn được đặt tên riêng là con rồng Wyvern và Stryga, sinh vật kỳ lạ với đầu mọc sừng, lưng có cánh, cằm chống lên hai tay.
Vũ Hoàng (Theo Mymodernmet.com)