Hôm 15/8, máy bay A321 của hãng hàng không Nga Ural Airlines chở 226 hành khách và 7 thành viên tổ lái khởi hành từ sân bay Zhukovsky, Moskva, đã đâm phải đàn chim ngay sau khi cất cánh. Cơ trưởng Damir Yusupov 41 tuổi và cơ phó Georgy Murzin 23 tuổi không thể quay đầu lại sân bay do độ cao quá thấp và động cơ ngừng hoạt động.
Trong hoàn cảnh ngặt nghèo, các phi công đã quyết định thu càng đáp, tắt động cơ và hạ cánh bằng bụng xuống một cánh đồng ngô cách sân bay chưa đầy một km. Họ chỉ có vài giây để tìm địa điểm đủ rộng để hạ cánh và quyết định đúng đắn của phi hành đoàn đã cứu máy bay khỏi thảm họa.
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã lệnh cho Bộ Giao thông chuẩn bị khen thưởng cấp nhà nước cho phi hành đoàn, nói rằng hành động của họ "xứng đáng được khen ngợi cấp cao nhất". Truyền thông Nga gọi cú hạ cánh trên đồng ngô là "phép màu".
Trong quá khứ, không ít lần những "phép màu" tương tự cũng đã xảy ra.
Ngày 7/9/2010, một máy bay TU-154 của hãng hàng không Alrosa Airlines khởi hành từ vùng Yakutia, phía đông Nga, về thủ đô Moskva với 72 hành khách và 9 thành viên phi hành đoàn. Ở độ cao khoảng 10.600 m, cơ trưởng Evgeny Novoselov phát hiện hệ thống lái tự động gặp trục trặc. Ngay sau đó, tất cả các thiết bị điện khác trên máy bay lần lượt tắt.
Không có điện, hệ thống dẫn đường ngừng hoạt động, bơm nhiên liệu chạy bằng điện cũng không thể vận hành để đưa xăng từ bồn chứa trong cánh đến bồn nhiên liệu trong thân. Lúc này máy bay chỉ còn 3,3 tấn nhiên liệu có thể sử dụng, chỉ đủ để bay tiếp 30 phút, buộc phi công phải chạy đua với thời gian để ngăn thảm họa.
Nhìn qua những đám mây bên dưới, họ phát hiện một con sông, một cánh rừng và một đường băng. Sân bay không còn hoạt động và đường băng không phù hợp với loại máy bay mà họ đang điều khiển nhưng là giải pháp cuối cùng để thoát khỏi thảm họa.
Sau hai nỗ lực hạ cánh khẩn cấp không thành công, phi công điều khiển máy bay đáp được xuống đường băng chỉ dài 1.325 mét. Khi hạ cánh, máy bay trượt khoảng 164 mét ra khỏi đường băng nhưng không ai trong 81 người trên khoang bị thương.
Ngày 15/1/2009, một máy bay Airbus A320 của hãng hàng không US Airways do phi công Chesley 'Sully' Sullenberger điều khiển vừa cất cánh thì hai động cơ bất ngờ ngừng hoạt động do đâm phải một đàn ngỗng. Trong lúc phi cơ mất dần độ cao, cơ trưởng Sully tìm cách lái nó trở lại sân bay nhưng nhận ra đây là điều không thể. Cuối cùng, ông quyết định cho máy bay hạ cánh khẩn cấp trên mặt nước lạnh cóng của con sông Hudson ở thành phố New York.
Tất cả 155 người trên khoang nhanh chóng được đưa ra khỏi phi cơ trong lúc máy bay chìm dần xuống sông. Toàn bộ phi hành đoàn của chuyến bay 1549 được nhận huân chương vì hành động anh hùng của mình.
Ngày 23/7/1983, chuyến bay số hiệu 143 của hãng hàng không Air Canada từ Montreal về Edmonton đang bay ở độ cao gần 12.500 mét thì các thiết bị trong buồng lái bỗng vụt tắt và chiếc Boeing 767-233 hết nhiên liệu. Phi cơ không có nguồn cấp điện ngoại trừ một turbine chạy bằng sức gió (RAT) khẩn cấp.
Chỉ với những dữ liệu ít ỏi về tốc độ, độ cao và hướng đi của máy bay từ một số đồng hồ dự phòng, phi công vẫn có thể điều khiển máy bay hạ cánh an toàn xuống sân bay khu công nghiệp Gimli, tỉnh Manitoba, miền trung Canada.
Theo kết quả cuộc điều tra sau đó, máy bay đã không được nạp đầy nhiên liệu trước khi cất cánh do nhầm lẫn trong bộ đếm mới được thay thế đơn vị đo.
Ngày 10/1/2018, sân bay quốc tế Chopin ở thủ đô Warsaw, Ba Lan, phải đóng cửa trong 4 tiếng vì một chuyến bay của hãng hàng không LOT Polish Airline phải hạ cánh khẩn cấp khi đang trong hành trình từ thành phố Krakow, phía nam Ba Lan, tới Warsaw.
Phi công buộc phải hạ cánh với 59 hành khách trên khoang trong điều kiện không có càng đáp phía trước. Phi cơ tóe lửa khi mài bụng trên đường băng trong cú hạ cánh khẩn cấp, nhưng toàn bộ hành khách và phi hành đoàn đều không bị thương.
Ngày 17/4/2018, Tammie Jo Shults, một trong những nữ phi công chiến đấu cơ đầu tiên trong lịch sử hải quân Mỹ, đảm nhận vai trò cơ trưởng chuyến bay 1380 của hãng hàng không Southwest Airlines khởi hành từ New York tới Dallas. Trong hành trình, một cánh quạt động cơ của chiếc Boeing 737 bất ngờ ngừng hoạt động và các mảnh vỡ làm hư hỏng phần thân trái máy bay, phá vỡ một bên cửa sổ, khiến máy bay bị mất áp suất trong khoang.
Một hành khách bị hút ra ngoài qua cửa sổ vỡ và thiệt mạng. Shults ngay sau đó phải giảm độ cao để điều áp trong khoang, cứu mạng các hành khách còn lại và cho máy bay hạ cánh khẩn cấp ở Philadelphia. Hành động chuyên nghiệp của bà đã giúp cứu máy bay khỏi tai họa và được hành khách tán dương nhiệt liệt.
Vũ Hoàng (Theo RT)