Con sông dài 64 km và khu vực xung quanh, được gọi là lưu vực Matanza-Riachuelo ở Argentina, là nơi sinh sống của hơn 4 triệu người. Khoảng 15.000 ngành công nghiệp thải chất xả xuống sông, làm ô nhiễm nó với asen, cadmium, crom, hydrocarbon, sunfua, kẽm và chì.
Năm 2008, Tòa án Tối cao Argentina ra phán quyết yêu cầu cần phải xử lý dòng chất ô nhiễm chảy vào Riachuelo. Kế hoạch làm sạch sông bao gồm ba công trình.
Công trình đầu tiên được gọi là Stream Left Bank Collector, mạng lưới đường hầm nằm sâu trong nước được thiết kế để chặn nước thải công nghiệp và sinh hoạt rồi chuyển hướng nó đến một nhà máy xử lý - công trình thứ hai của dự án. Nhà máy sẽ tách chất thải rắn ra khỏi nước.
Công trình thứ ba là đường hầm thủy lực trị giá 450 triệu USD, đóng vai trò là lối ra cho nước đã qua xử lý. Nó đang được một liên doanh do công ty kỹ thuật dân dụng Italy Salini Impregilo dẫn đầu thi công. Đường hầm dự kiến hoàn thành năm 2021 và nó sẽ nằm trong số đường hầm dưới nước dài nhất thế giới, với chiều dài dài 12 km.
Mirko Martini, kỹ sư trưởng của Salini Impregilo, cho biết rất ít đường hầm được đào trong điều kiện như ở sông Riachuelo. "Tất cả mọi thứ đều là thách thức", ông nói. "Bạn phải nhớ rằng chúng tôi đang ở dưới một dòng sông với áp lực rất lớn và chúng tôi đang đào hầm", ông nói.
Sau khi hoàn thành, hệ thống sẽ vận chuyển và xử lý nước thải với tốc độ 27 m3/giây, cải thiện điều kiện vệ sinh dọc theo bờ sông và cung cấp giải pháp lâu dài và bền vững để xử lý nước thải an toàn từ Buenos Aires.
Đồng bằng sông Châu Giang ở tỉnh Quảng Đông là một trong những khu vực phát triển nhanh nhất ở Trung Quốc, trung bình trên 13% kể từ đầu những năm 1980. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế cũng đi đôi với hậu quả môi trường. Châu Giang, con sông dài thứ ba Trung Quốc, trở nên ô nhiễm nặng nề, nhiều nhánh của nó có chất lượng nước thấp hơn tiêu chuẩn quốc gia và không thể dùng làm nguồn nước uống.
Nước thải sinh hoạt đổ ra hệ thống sông mà hầu hết không qua xử lý. Năm 2005, khoảng 55% nước thải ở thành phố Phật Sơn được xử lý, trong khi con số này ở Giang Môn là 22%.
Lượng nước thải được thu gom và xử lý của của Phật Sơn tăng từ 55% năm 2005 lên 88% năm 2013, một phần nhờ vào việc tăng công suất của nhà máy xử lý nước thải Chấn An từ 200.000 lên 250.000 m3.
4 cơ sở xử lý bùn mới với tổng công suất 220 tấn/ngày đảm bảo bùn được xử lý đúng cách và an toàn, ngăn ngừa ô nhiễm nước ngầm và các tuyến đường thủy lân cận xung quanh. 6,7 km bờ kè dọc theo sông Phần Hà được cải thiện bằng cách chặn nước thải, chuyển hướng đến nhà máy xử lý nước thải và nâng bờ sông để tránh lũ lụt.
Chất lượng nước được cải thiện sau khi gần 700.000 m3 cặn được nạo vét từ lòng sông. 4 trạm quan trắc chất lượng nước tự động và hệ thống thông tin quản lý môi trường nước đã được thiết lập, bao gồm hệ thống phản ứng khẩn cấp để thúc đẩy cơ quan bảo vệ môi trường xử lý nhanh những trường hợp xả chất ô nhiễm ra sông.
Tại Giang Môn, lượng nước thải được thu gom và xử lý tăng từ 22% năm 2005 lên 70% năm 2013, do công suất của nhà máy xử lý nước thải Wen Chang Sha tăng từ 50.000 đến 200.000 m3/ngày. Họ cũng cho xây dựng một trạm bơm và 22 km cống, phục vụ khoảng 500.000 người ở khu vực thành thị.
"Nước thải từng có ở khắp mọi nơi trong làng, giờ chúng được tập trung qua hệ thống cống rãnh. Điều kiện sống của chúng tôi đã được cải thiện và tất cả chúng tôi đều rất vui", Liang Jingzhou, đứng đầu ủy ban làng Hạ Biện, nói.
Vào những năm 1950, ít người dám tắm tại sông Pasig, dài 27 km từ hồ Laguna de Bay, uốn lượn qua trung tâm thủ đô Manila, rồi vào vịnh Manila ở Philippines. Đến thập niên 1980, mọi hoạt động đánh bắt cá đã dừng lại và nước bốc mùi hôi thối. Đến năm 1990, con sông được coi là "chết" - không sinh vật nào tồn tại trong vùng nước.
"Nước thải sinh hoạt chưa được xử lý và nước thải công nghiệp chảy vào nó. Do việc thu gom chất thải yếu kém và thiếu các bãi chôn rác thích hợp trong các khu vực lân cận, con sông về cơ bản đã trở thành bãi rác", Rudolf Frauendorfer, chuyên gia từ Ngân hàng Phát triển châu Á, nói.
Ủy ban Phục hồi sông Pasig (PRRC) được thành lập năm 1999, với mục đích là cải tạo sông Pasig về điều kiện nguyên sơ trước đây. Nỗ lực được thúc đẩy năm 2010 với sự giúp đỡ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Đan Mạch (DANIDA) và Ngân hàng Phát triển châu Á, bên cho chính phủ Philippines vay 200 triệu USD.
Ước tính 65% chất thải chảy xuống sông Pasig là từ cộng đồng người nghèo sống trong các ngôi nhà tạm ở rìa sông. Để thay đổi, Cơ quan phát triển Vùng đô thị Manila ra quy định họ phải sống cách bờ sông 3-10 m, chính quyền cũng tái định cư những người này đến vùng ngoại ô.
Có một số ý tưởng sáng tạo để xử lý ô nhiễm trên sông Pasig. Năm 2014, một nhãn hàng làm đẹp của Nhật thiết lập biển quảng cáo nổi dài 27 m trên sông. Nó được làm từ cỏ Vetiver có khả năng hấp thụ các chất độc hại, thường được sử dụng để xử lý nước thải. Biển quảng cáo được cho là có thể làm sạch 7.500 đến 30.000 lít nước mỗi ngày. Hãng Nhật cho biết thông điệp của biển quảng cáo là "nhanh chóng làm sạch dòng sông" nhằm thay đổi cách người dân nhận thức về ô nhiễm sông ngòi.
Tháng 10/2018, PRRC được trao giải Asia Riverprize nhờ nỗ lực cải tạo sông Pasig. PRRC tuyên bố thủy sinh đã quay trở lại sông. Một số thành tựu của PRRC là tái định cư hơn 18.000 gia đình sống dọc theo bờ sông, tháo dỡ 376 công trình tư nhân lấn chiếm, phân tách 22.000 kg chất rắn khỏi nước thải, thành lập các khu vực bảo tồn môi trường và giáo dục người dân về ý thức bảo vệ môi trường.
"Những nỗ lực này đã dẫn đến sự cải thiện đáng kể chất lượng nước, cũng như sự hồi sinh và phát triển của hệ thống sông Pasig", Tổ chức Sông ngòi Quốc tế ra tuyên bố.
Phương Vũ (Theo WB/Createdigital)