Hong Kong rơi vào cảnh hỗn loạn từ hôm 9/6, khi hàng trăm nghìn người tràn xuống đường biểu tình phản đối dự luật cho phép dẫn độ tội phạm sang Trung Quốc đại lục để xét xử. Ba này sau, Hong Kong tiếp tục chứng kiến cuộc biểu tình quy mô lớn khác chống lại dự luật này.
Trước sức ép của hàng chục nghìn người bao vây trụ sở, Hội đồng Lập pháp Hong Kong đã phải hoãn phiên họp thảo luận về dự luật gây rất nhiều tranh cãi này.
Tại sao chính quyền Hong Kong thúc đẩy dự luật dẫn độ?
Dự luật "Người phạm tội bỏ trốn và Hỗ trợ pháp lý lẫn nhau về vấn đề hình sự" sửa đổi được chính quyền Hong Kong đề xuất hồi tháng 2, cho phép dẫn độ tội phạm sang các quốc gia và vùng lãnh thổ chưa có hiệp ước dẫn độ với Hong Kong, trong đó có Trung Quốc đại lục, Đài Loan và Macau, để xét xử.
Giới chức cho biết dự luật cần được thông qua sớm nhất có thể để xử lý trường hợp của Chan Tong-kai, cư dân Hong Kong giết bạn gái khi hai người đi nghỉ ở Đài Loan hồi tháng 2/2018. Sau khi trở về Hong Kong, Chan thừa nhận gây án, nhưng chính quyền không thể truy tố hay dẫn độ anh ta sang Đài Loan vì hai bên không có thỏa thuận dẫn độ. Chan đang thực hiện án tù với các tội danh liên quan tới rửa tiền, nhưng có khả năng được phóng thích vào tháng 10 và chạy trốn khỏi Hong Kong.
Tại sao dự luật bị đông đảo người dân phản đối?
Sau khi được Anh trao trả về Trung Quốc năm 1997 theo mô hình "một quốc gia, hai chế độ", Hong Kong được quyền duy trì một hệ thống pháp lý và tiền tệ riêng, độc lập với Trung Quốc đại lục và hai bên không ký bất cứ thỏa thuận dẫn độ nào.
Việc dự luật được đưa ra khiến nhiều người lo ngại rằng Hong Kong có nguy cơ chịu ảnh hưởng từ luật pháp của Trung Quốc đại lục và cư dân tại đặc khu có thể trở thành nạn nhân của một hệ thống pháp lý khác. Họ gọi đây là động thái thân Bắc Kinh, đồng thời bày tỏ nghi ngờ về tính công bằng và minh bạch của hệ thống tư pháp Trung Quốc đại lục.
Tại sao nhiều nước quan tâm tới dự luật?
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi hôm 12/6 kịch liệt lên án dự luật và đề nghị hỗ trợ người biểu tình tại Hong Kong. "Dự luật dẫn độ cho thấy ý định trắng trợn của Bắc Kinh trong việc chà đạp luật pháp để ngăn bất đồng chính kiến và bóp nghẹt sự tự do của cư dân Hong Kong", bà Pelosi cho biết.
Pelosi giải thích rằng bà lên tiếng bởi dự luật "gây nguy hiểm cho 85.000 người Mỹ đang sống ở Hong Kong", đồng thời làm suy yếu quan hệ tốt đẹp trong hai thập kỷ qua giữa Washington và đặc khu.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ hy vọng những người biểu tình sẽ hòa giải với giới chức. "Tôi chắc chắn họ có thể giải quyết tình hình và hy vọng họ sẽ hợp tác với chính quyền Trung Quốc đại lục", ông chủ Nhà Trắng phát biểu.
Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt cũng bày tỏ sự quan tâm tới các cuộc biểu tình ở Hong Kong. "Việc duy trì mô hình 'một quốc gia, hai chế độ' như đã nêu trong Tuyên bố chung Trung - Anh rất quan trọng với sự thành công trong tương lai của Hong Kong", ông cho biết.
Tuy nhiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nhấn mạnh không quốc gia, tổ chức hoặc cá nhân nào có quyền can thiệp vào các vấn đề nội bộ của họ. "Trung Quốc kịch liệt phản đối những bình luận vô trách nhiệm và sai lệch của một số cá nhân ở Mỹ", ông nói thêm.
Tại sao chính quyền Hong Kong không rút dự luật?
"Nếu sự cực đoan và bạo lực có thể giúp họ đạt được mục đích, tình hình sẽ chỉ tồi tệ hơn và chắc chắn gây tổn hại cho Hong Kong. Vì vậy, tôi hy vọng trật tự xã hội được khôi phục sớm nhất có thể. Tôi không muốn có thêm bất kỳ ai bị thương trong cuộc bạo loạn", trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Carrie Lam cho biết.
Chủ tịch Hội đồng Lập pháp Hong Kong Andrew Leung quyết định hoãn buổi thảo luận dự luật hôm 12/6 sau khi chỉ vài nghị sĩ xuất hiện tại phòng họp do các tuyến đường bị phong tỏa. Ban thư ký của hội đồng hôm nay thông báo thời gian cụ thể của buổi thảo luận sẽ được công bố sau khi bà Lam ấn định.
Giới chức cho biết ngoài vụ án của Chan Tong-kai, dự luật còn cần thiết trong việc giải quyết lỗ hổng pháp lý khiến thành phố trở thành "thiên đường" cho tội phạm từ Trung Quốc đại lục tràn sang. Dự luật được cho là sẽ giúp đơn giản hóa việc dẫn độ từng trường hợp nghi phạm hình sự đến các vùng nằm ngoài 20 nơi Hong Kong đã ký hiệp ước dẫn độ.
Tuy nhiên, chính quyền Hong Kong nhiều lần nhấn mạnh không phải mọi yêu cầu dẫn độ đều tự động được đáp ứng nếu dự luật này có hiệu lực. Các thẩm phán Hong Kong là người quyết định có chấp nhận dẫn độ hay không và bị cáo có thể kháng cáo. Bà Lam cùng các đồng minh khẳng định bất kỳ ai có nguy cơ bị đàn áp chính trị, tôn giáo, tra tấn, xử tử sẽ không bị dẫn độ.
Ánh Ngọc (Theo SCMP)