Không phải anh hùng nào trong Thế chiến II cũng là người đạt thành tích hạ nhiều binh sĩ đối phương. Một số đã tận dụng tài trí, sự hiểu biết môi trường xung quanh và lòng dũng cảm để lập công mà không đụng tới các loại vũ khí sát thương, theo War History.
Chuẩn tướng Francis L. Sampson sinh ngày 29/1/1912 ở Cherokee, bang Iowa, Mỹ. Sau khi tốt nghiệp đại học Notre Dame năm 1937, ông theo học tại Trường Thánh Paul ở bang Minnesota. Sampson được thụ phong linh mục Công giáo La Mã vào năm 1941.
Sampson nhập ngũ năm 1942 và hoàn thành khóa huấn luyện lính dù, trở thành sĩ quan tuyên úy trong biên chế Trung đoàn số 501 thuộc Sư đoàn lính dù số 101 trong quân đội Mỹ. Ông được coi là một anh hùng trong trận đổ bộ Normandy, Pháp ngày 6/6/1944.
Trong trận này, Trung đoàn 501 có nhiệm vụ đổ bộ xuống thị trấn Carentan gần bờ biển Normandy để hỗ trợ quân Đồng minh. Ông nhảy dù xuống sông Douve dưới cơn mưa đạn của Đức và phải bỏ lại gần hết trang bị để khỏi bị chết đuối. Sau đó, Sampson phải bơi 90 m về vị trí ban đầu và lặn 5-6 lần để lấy lại quân tư trang dưới đáy sông.
Sampson bị bắt ngay tối 6/6 khi đang chăm sóc cho các đồng đội bị thương và không đến được điểm tập kết. Khi sắp bị xử bắn, ông sợ hãi đến mức đọc đi đọc lại lời cầu nguyện trước bữa ăn, thay vì kinh sám hối. Nhờ vậy, một sĩ quan Đức theo Công giáo đã cứu mạng ông. Sampson được đưa đến một căn cứ tình báo, bị thẩm vấn và được thả vì quân Đức đánh giá ông không phải mối đe dọa.
Sampson trở về một trung tâm y tế gần bãi biển Normandy, nơi ông chăm sóc cho cả lính Mỹ và Đức bị thương. Ông được trao tăng Huân chương Danh dự, phần thưởng cao quý nhất của quân đội Mỹ, vì hành động nhân đạo này.
Ngày 19/12/1944, Sampson nhảy dù xuống hậu phương địch ở Hà Lan và bị bắt trong trận Bulge. Ông và các tù binh bị áp giải gần 300 km trong 10 ngày dưới thời tiết lạnh giá về trại giam Stalag II A, phía bắc Berlin. Ngày 28/4/1945, Hồng quân Liên Xô tấn công nhà tù và giải thoát cho các tù binh, trong đó có Sampson.
Bill Millin sinh ngày 14/7/1922 ở Regina, Canada. Ông là nghệ sĩ kèn túi phục vụ trong quân đội Anh, trực tiếp tham gia trận Normandy năm 1944.
Sau khi rời xuồng đổ bộ lên bờ biển Normandy, Millin chạy tới chạy lui trên bờ biển để thổi kèn, bất chấp cơn mưa đạn từ lính Đức. Chỉ huy đơn vị và nhiều đồng đội cho rằng đây là cách tuyệt vời để nâng cao sĩ khí, trong khi nhiều lính Đức lại nghĩ rằng Millin bị điên và không còn nhắm vào ông.
Chiếc kèn túi cuối cùng bị hỏng do trúng đạn, nhưng Millin vẫn chơi nhạc để giúp đồng đội thư giãn suốt trận đánh.
Matvey Kuzmin là một nông dân Liên Xô sinh năm 1858 tại làng Kurakino ở tỉnh Pskov, miền tây nước Nga ngày nay. Ông sống bằng nghề đánh bắt cá và săn bắn.
Khu vực Kuzmin sống bị phát xít Đức chiếm đóng trong Thế chiến II. Quân Đức tìm đến Kuzmin, nhờ dẫn đường để tìm lối tắt xuyên qua phòng tuyến Liên Xô và đánh tập hậu điểm cao gần Kurakino. Ngày 13/2/1942, chỉ huy Đức đề nghị Kuzmin, khi đó đã 83 tuổi, dẫn đường cho một tiểu đoàn đến sau điểm cao Malkino để đổi lấy tiền, bột mì, xăng và một khẩu súng săn.
Kuzmin đồng ý nhưng bí mật bảo cháu trai đến cảnh báo Hồng quân Liên Xô. Kết quả là binh sĩ Liên Xô tổ chức phục kích, gây thiệt hại nặng cho đơn vị Đức với 50 tên bị tiêu diệt, 20 lính bị bắt sống. Trong lúc giao tranh, một sĩ quan Đức đã phát hiện ra nguyên nhân cuộc phục kích và bắn chết Kuzmin.
Ngày 8/5/1965, Kuzmin được truy tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô vì ngăn phát xít Đức giành chiến thắng quan trọng. Ông là anh hùng nhiều tuổi nhất trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của Liên Xô.
Bác sĩ quân y Desmond Doss là người theo chủ nghĩa hòa bình và từ chối đụng vào vũ khí dưới mọi hình thức. Tháng 3/1945, lính Mỹ đổ bộ lên đảo Okinawa và vấp phải sự kháng cự quyết liệt của quân Nhật. Sau nhiều ngày giằng co, đơn vị của Doss bị sa lầy và hứng chịu thương vong nặng nề.
Trong một đêm tại vách núi Hacksaw, Doss liên tục bò trên mặt đất suốt 12 tiếng để đưa 75 đồng đội bị thương, gồm cả chỉ huy là đại úy Jack Glove, về tuyến sau chỉ bằng một sợi dây thừng. Anh liên tục phơi mình dưới làn hỏa lực địch, kéo những người bị thương đến nơi an toàn rồi thả họ xuống vách núi bằng một hệ thống ròng rọc.
Doss còn cứu đồng đội bằng cách đá văng một quả lựu đạn, khiến anh bị 17 mảnh kim loại găm ở chân khi quả lựu đạn phát nổ. Doss tiếp tục chăm sóc các đồng đội bị thương trong 5 tiếng rồi mới tự băng bó vết thương.
Năm 1946, Doss được tổng thống Mỹ Harry S. Truman trao Huân chương Danh dự tại Nhà Trắng. "Tôi tự hào về anh vì anh thực sự xứng đáng. Tôi coi đây là vinh dự lớn hơn làm tổng thống", Truman nói với Doss khi trao huân chương.
Duy Sơn