"Nhiều nước châu Á - Thái Bình Dương đã thể hiện mong muốn sở hữu các hệ thống phòng không hiện đại nhất của Nga như S-300 và S-400. Tuy nhiên, những hợp đồng như vậy đòi hỏi nguồn vốn lớn và một số khách tiềm năng có thể gặp khó khăn với vấn đề này", TASS dẫn lời phó giám đốc Cơ quan Hợp tác Quân sự - Kỹ thuật Nga Mikhail Petukhov hôm qua phát biểu bên lề Triển lãm Hàng không - Hàng hải Langkawi (LIMA) 2019 tại Malaysia.
Ông Petukhov xác nhận chưa có thỏa thuận nào được ký kết, đồng thời từ chối tiết lộ những quốc gia tỏ ý quan tâm tới hệ thống S-400 Nga.
S-400 Triumf là hệ thống phòng không tầm xa có khả năng đánh chặn tiêm kích tàng hình, tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình ở khoảng cách 400 km. Một tổ hợp S-400 có thể tiến công 80 mục tiêu cùng lúc.
Trung Quốc là nước duy nhất ngoài Nga sở hữu hệ thống phòng không này. Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ đã đặt mua các tổ hợp S-400 với tổng trị giá hàng tỷ USD bất chấp cảnh báo từ Mỹ. Các quốc gia như Qatar và Arab Saudi cũng tỏ ý muốn mua S-400 để tăng cường khả năng phòng thủ.
"S-400 hấp dẫn nhiều quốc gia bởi nó được đánh giá là một trong những vũ khí hiện đại nhất mà Nga đang sở hữu, có những ưu điểm không xuất hiện trên các khí tài tương tự của phương Tây", nhà nghiên cứu Siemon Wezeman thuộc Viện Nghiên cứu Hòa bình Stockholm (SIPRI) nhận xét.
Tên lửa S-400 có thể tiêu diệt mục tiêu một cách chính xác, theo dõi số lượng lớn mục tiêu, kể cả máy bay tàng hình và tên lửa đạn đạo. Tổ hợp này còn có độ cơ động cao, cho phép triển khai, phóng tên lửa, thu hồi và rời trận địa trong vòng vài phút.
"Radar, cảm biến và tên lửa của S-400 có thể kiểm soát khu vực rộng lớn. Bán kính giám sát của radar tối thiểu là 600 km và tên lửa có thể đánh trúng mục tiêu ở cách đến 400 km. Trong khi đó, tổ hợp Patriot do Mỹ sản xuất chỉ có tầm bắn khoảng 160 km", Wezeman nói thêm.