Ca "nhiễm đột phá" hiện được dùng để nói về những người bị nhiễm nCoV dù đã tiêm chủng đầy đủ, điều này làm dấy lên nhiều lo ngại về hiệu quả của các loại vaccine Covid-19 hiện nay. Tuy nhiên, cộng đồng y khoa cho rằng mọi người đang hiểu nhầm khái niệm và đánh đồng nó với vaccine thiếu hiệu quả.
Tiến sĩ Carlos Del Rio, giáo sư tại khoa bệnh truyền nhiễm của Trường Y Đại học Emory, bang Georgia, Mỹ, nói rằng vaccine Covid-19 được phát triển với mục tiêu chống nguy cơ bệnh nặng và tử vong. "Nhiễm trùng chưa bao giờ là điều mà các nghiên cứu hướng tới", ông nói.
Tiến sĩ Barney Graham, nhà virus học và miễn dịch học, đồng thời là phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu vaccine tại Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ (NIAID), cũng không đồng tình với cách sử dụng cụm từ "nhiễm đột phá".
"Vaccine được thiết kế để tập trung ngăn ngừa bệnh cho đường thở dưới (phổi), chứ không phải là đường thở trên (mũi và họng)", ông giải thích.
Biến thể Delta dễ lây nhiễm sẽ khiến tỷ lệ nhiễm trùng tăng ở cả nhóm tiêm chủng và chưa tiêm chủng. Tuy nhiên, hiệu quả của vaccine rõ ràng tạo ra sự khác biệt lớn giữa hai nhóm, theo Graham. Phần lớn các trường hợp nhập viện và tử vong gần đây đều xảy ra ở nhóm chưa tiêm chủng.
Một phân tích của CNN dựa trên dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), cho thấy trong hơn 164 triệu người Mỹ đã tiêm đủ liều vaccine tính đến 2/8, chưa đến 0,001%, khoảng 1.507, người tử vong và chưa đến 0,005%, khoảng 7.101 người, phải nhập viện vì Covid-19. Dữ liệu được tổng hợp từ 49 bang của Mỹ cho thấy vaccine đã thực sự có hiệu quả. Hơn 99,99% người nhiễm hậu tiêm chủng không có nguy cơ nhập viện và tử vong.
Tiến sĩ Anthony Fauci, cố vấn y tế trưởng của chính quyền Tổng thống Joe Biden và giám đốc NIAID, cho biết vaccine đang làm đúng chức năng.
"Vaccine đang làm chính xác những gì chúng tôi yêu cầu, đó là ngăn nguy cơ nhập viện, bệnh nặng và tử vong", Fauci nói tuần trước. "Một điều cần phải làm rõ là dù tỷ lệ tiêm chủng lớn với mức độ bảo vệ cao, số ca nhiễm sau tiêm có thể cao".
Fauci cho biết "con số quan trọng" là tỷ lệ, chứ không phải số thô, ở nhóm người tiêm vaccine nhiễm virus. Với tỷ lệ nhiễm là 1%, một triệu người tiêm vaccine sẽ có 10.000 ca nhiễm. Nhưng nếu 100 triệu người tiêm, số ca nhiễm sẽ lên tới một triệu. Một triệu ca lớn hơn 10.000 ca nhưng tỷ lệ của nó vẫn chỉ là 1%.
"Vaccine Covid mang lại hiệu quả mạnh mẽ với biến chủng Delta. Nó bảo vệ bạn, gia đình và cộng đồng của bạn. Nguy cơ nhiễm bệnh giảm 8 lần, nhập viện giảm 25 lần và tử vong giảm 25 lần", Fauci nói.
Một yếu tố khác có thể ảnh hưởng tới con số ca "nhiễm đột phá" là mức độ kháng thể chống nCoV của con người, dù tự nhiên hay do vaccine, đều suy giảm theo thời gian. Ngay cả khi khả năng miễn dịch giảm sau vài tháng hoặc vài năm hậu tiêm chủng, điều đó cũng không có nghĩa vaccine không hiệu quả.
"Đây là cách hệ thống miễn dịch hoạt động.Việc miễn dịch giảm theo thời gian là điều bình thường", tiến sĩ Monica Gandhi, giáo sư tại Đại học California San Francisco và bệnh viện đa khoa San Francisco, Mỹ, nói, thêm rằng máu và mũi không thể chứa tất cả kháng thể được tạo ra qua thời gian.
Do đó, bà khẳng định việc suy giảm này không liên quan tới hiệu quả của vaccine mà chỉ là cơ chế hoạt động của hệ miễn dịch. Tuy nhiên, Gandhi lưu ý hệ miễn dịch của con người rất thông minh. Nó chứa các tế bào ghi nhớ T và chúng sẽ bắt đầu tạo ra kháng thể mới trong vòng vài ngày sau khi gặp một loại virus quen thuộc.
Gandhi cho biết khi nồng độ kháng thể giảm, mọi người có thể đeo khẩu trang để tránh nguy cơ nhiễm nhẹ và tiêm liều tăng cường khi có thể. Ngoài ra, bà cho biết sau tiêm vaccine, các tế bào T sẽ tấn công khi gặp virus và khiến chúng bị suy yếu. Điều đó có nghĩa khả năng lây truyền virus ở những người tiêm chủng cũng thấp hơn nhiều, do tải lượng virus nhỏ.
Graham giải thích thêm Delta gây ra tải lượng virus ban đầu lớn hơn các chủng khác, nhưng cũng giảm nhanh hơn ở những người đã tiêm chủng.
"Những dữ liệu hiện tại cho thấy nếu người tiêm vaccine và chưa tiêm có cùng tải lượng virus ở một thời điểm, theo thời gian, nó sẽ giảm nhanh hơn ở những người đã tiêm", ông nói.
Các nhà khoa học lưu ý vaccine không giúp con người tạo nên một pháo đài bất khả xâm phạm, mà chỉ giống như lính gác. Chúng hoạt động như những người quan sát và phát cảnh báo sớm về một cuộc tấn công để khiến hệ miễn dịch tung ra đội bảo vệ chống lại kẻ thù.
Do đó, họ cho rằng khái niệm ca "nhiễm đột phá" không thực sự là cách mô tả đúng về những ca nhiễm sau tiêm và cần có một thuật ngữ khác. Giới khoa học cho rằng "nhiễm sau tiêm" sẽ là cụm từ hợp lý hơn, vì nó không mang ý nghĩa hàng rào bảo vệ của vaccine thất bại trước virus.
"Tôi nghĩ đột phá là chỉ là khái niệm đúng về mặt kỹ thuật, nhưng không phù hợp đối với công chúng", Del Rio nói.
Francis Collins, giám đốc Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH), đồng tình với nhận định này. "Tôi nghĩ thuật ngữ này thật tệ vì nó khiến mọi người sợ hãi và nghe như vaccine không hiệu quả. Tôi muốn nói rõ ràng rằng vaccine thực sự hiệu quả khi ngăn ngừa nguy cơ nhập viện và bệnh nặng tới hơn 90%. Vì vậy, chúng ta đừng để ngôn ngữ cản trở điều đó", ông nói.
Thanh Tâm (Theo CNN)