Kế hoạch đưa 270 binh sĩ thuộc lực lượng phòng vệ trên biển đến Vịnh Oman và eo biển Bab-el-Mandeb, phía bắc Biển Arab được chính phủ Nhật Bản xây dựng theo điều luật cho phép triển khai quân đội ra nước ngoài để nghiên cứu và thu thập thông tin tình báo, Nikkei đưa tin hôm nay.
Theo đó, chính phủ Nhật sẽ đề xuất triển khai một tàu hộ tống và một máy bay tuần thám P3C, loại máy bay đang tham gia các chiến dịch chống cướp biển ở Vịnh Aden, Somalia, từ Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản tham gia sứ mệnh. Nhiệm vụ này sẽ kéo dài một năm, và có thể được gia hạn thường niên. Nhật Bản sẽ hoàn thiện kế hoạch này vào cuối năm nay.
Việc triển khai lực lượng vũ trang ra nước ngoài để nghiên cứu và thu thập thông tin tình báo được quy định trong Đạo luật Thành lập Bộ Quốc phòng, nên động thái này của Tokyo sẽ không vi phạm hiến pháp hòa bình, vốn cấm Nhật đưa lực lượng quân sự tham chiến ở nước ngoài.
Tàu hộ tống của Nhật trong nhiệm vụ sắp tới sẽ không được trang bị hỏa lực, song các vũ khí vẫn có thể được sử dụng nếu như lực lượng này bị tấn công.
Thông tin được công bố trong bối cảnh liên minh hàng hải do Mỹ dẫn đầu bắt đầu thực hiện chiến dịch Xây dựng An ninh Hàng hải Quốc tế (IMSC) hộ tống tàu thuyền qua eo biển Hormuz, điểm nóng trên tuyến đường vận chuyển dầu từ Trung Đông. Liên minh bắt đầu được Mỹ kêu gọi thành lập sau các vụ bắt tàu dầu của Iran tại eo biển Hormuz.
Nhật Bản trước đó khẳng định sẽ không tham gia liên minh này mà chỉ triển khai lực lượng một cách độc lập, do Tokyo có quan hệ kinh tế gần gũi với Tehran.
Căng thẳng giữa Tehran và Washington leo thang từ năm 2018, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015 và áp các lệnh trừng phạt làm suy yếu nền kinh tế Iran. Nhật Bản, nước ngừng mua dầu từ Iran bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ, cũng muốn thấy sự ổn định ở Trung Đông, khu vực xuất khẩu một lượng lớn dầu mỏ cho nước này.
Quốc Hưng (Theo Reuters, Nikkei)