Bộ Quốc phòng Nhật Bản hôm qua công bố kế hoạch chế tạo tên lửa diệt hạm siêu thanh tầm xa có thể đánh trúng mục tiêu từ khoảng cách 400 km, đánh dấu lần đầu nước này phát triển vũ khí có tầm bắn lớn hơn các hệ thống phòng không trên hạm hiện nay, Yomiuri Shimbun đưa tin.
Loại vũ khí mới là phiên bản hiện đại hóa toàn diện của tên lửa hành trình diệt hạm ASM-3 được Tokyo ra mắt năm 2017, dự kiến có tốc độ tối đa 3.700 km/h và được triển khai để tấn công các tàu chiến trong trường hợp nổ ra xung đột đe dọa tới lãnh thổ Nhật Bản.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản quyết định phát triển tên lửa mới, trong bối cảnh lực lượng này ngày càng nghi ngờ hiệu quả của ASM-3 khi Trung Quốc đang tăng cường tiềm lực quốc phòng và đóng mới hàng loạt tàu khu trục hạng nặng được trang bị tên lửa phòng không với tầm bắn tới 200 km. Việc chế tạo tên lửa mới dựa trên nền tảng ASM-3 giúp Nhật rút ngắn thời gian nghiên cứu, sớm đưa tên lửa vào biên chế.
Một số chuyên gia cho rằng việc sở hữu vũ khí tiến công như tên lửa hành trình tầm xa sẽ đi ngược hiến pháp hòa bình của Nhật Bản. "Tokyo duy trì quan điểm rằng sự xuất hiện của vũ khí tiến công không vi phạm các điều khoản hiến pháp, trong trường hợp chúng liên quan tới khả năng phòng vệ", bài viết trên Yomiuru Shimbun có đoạn.
Quân đội Nhật Bản trong hàng chục năm qua không sở hữu vũ khí tiến công do quy định trong hiến pháp được thông qua sau Thế chiến II. Tuy nhiên, chính phủ Nhật Bản đang tìm cách thay đổi chính sách quốc phòng, điển hình là quyết định biến khu trục hạm trực thăng lớp Izumo thành tàu sân bay. Sau khi hoán cải, hai tàu sân bay lớp Izumo sẽ được trang bị tối đa 40 tiêm kích F-35B, đánh dấu lần đầu Tokyo có hàng không mẫu hạm mang chiến đấu cơ cánh bằng từ sau Thế chiến II.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản hôm 13/3 ký hợp đồng đặt mua lượng lớn Tên lửa Tiến công Liên quân (JSM) do tập đoàn Kongsberg của Na Uy chế tạo để trang bị cho phi đội 147 siêu tiêm kích F-35, giúp nước này lần đầu sở hữu khả năng đánh phủ đầu và bí mật tấn công các mục tiêu từ khoảng cách tối đa 1.600 km.