Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm qua tuyên bố vụ cháy Nhà thờ Đức Bà Paris là "thảm kịch khủng khiếp" và cam kết sẽ xây dựng lại công trình 856 năm tuổi này. Vụ hỏa hoạn tại Nhà thờ Đức Bà Paris được coi là một tổn thất lớn với nước Pháp và cả thế giới, bởi nó được coi như "trái tim của thủ đô Paris" và chứa đựng những giá trị lịch sử, văn hóa vô giá.
Nhà thờ Công giáo này là thắng cảnh nổi tiếng thế giới của thủ đô Pháp, có lẽ chỉ xếp sau Tháp Eiffel và thu hút tới 13 triệu khách du lịch mỗi năm. Với rất nhiều người dân Paris, công trình với hai tháp vuông kiểu Gothic nổi bật dọc sông Seine là trung tâm của đời sống văn hóa, tôn giáo của họ kể từ khi nó được hoàn thiện vào thế kỷ 14.
Nhà thờ được xây dựng từ năm 1163, khi thủ đô Paris nổi lên như một trung tâm quyền lực của nước Pháp dưới thời vua Louis VII (1120-1180). Vua Louis VII muốn có một công trình tôn giáo xứng tầm với địa vị của Paris và mang ý nghĩa biểu tượng về sức mạnh kinh tế, chính trị, tri thức và văn hóa của thủ đô.
Louis VII quyết định chọn địa điểm xây dựng nhà thờ tại Île de la Cité, một trong hai cù lao trên sông Seine chảy qua thủ đô. Một đại giáo đường từ thời Trung cổ ở vị trí này đã bị phá hủy để nhường chỗ xây dựng công trình mới.
Dưới sự chứng kiến của Giáo hoàng Alexander III, lễ đặt viên đá đầu tiên khởi công nhà thờ có chiều dài 130 m, rộng 48 m diễn ra vào năm 1163, nhưng nước Pháp phải mất tới gần 200 năm mới hoàn thành công trình vĩ đại đó và nó thường xuyên được chỉnh sửa trong những thế kỷ tiếp theo.
Khi hoàn thành vào năm 1345, nhà thờ Đức Bà Paris được coi là viên ngọc quý của kiến trúc Gothic thời trung cổ, nơi có thể chứa tới hơn 6.000 tín đồ tới cầu nguyện cùng lúc và cũng là nơi chứng kiến những sự kiện lịch sử quan trọng. Đây được coi là nhà thờ chính tòa của toàn nước Pháp, nơi diễn ra các lễ cưới hoàng gia, nơi Napoleon Bonaparte lên ngôi hoàng đế và địa điểm Joan of Arc được phong thánh.
Vào năm 1431, vua Henry VI của nước Anh đăng quang trở thành vua nước Pháp tại nhà thờ Đức Bà Paris, đây cũng là nơi diễn ra lễ cưới giữa vua Scotland James V và công chúa Pháp Madeleine năm 1537. Nhà thờ cũng tổ chức những lễ cầu siêu lớn cho các cố tổng thống Charles de Gaulle và Francois Mitterrand của Pháp.
Hai tháp vuông cao 69 m ở mặt tiền phía tây được xây dựng vào đầu thế kỷ 13, trong đó tháp phía bắc có 387 bậc thang để du khách có thể trèo lên, còn tháp phía nam là nơi bố trí 10 chiếc chuông của nhà thờ. Nổi tiếng nhất trong số này là chuông Emmanuel thường ngân lên mỗi khi diễn ra các sự kiện trọng đại trong lịch sử nước Pháp, như lễ đăng cơ của nhà vua, các chuyến thăm của giáo hoàng hay đánh dấu sự kết thúc của hai cuộc thế chiến.
Chuông Emmanuel cũng vang lên khi tòa tháp đôi ở New York, Mỹ sụp đổ trong vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001. Tháp chuông nhọn trên mái vòm của nhà thờ được xây dựng từ thế kỷ 13, nhưng bị gió lớn phá hủy vào thế kỷ 18.
Khi Cách mạng Pháp bùng nổ vào thập niên 1790, nhà thờ Đức Bà Paris bị lãng quên và phá hoại rồi trở nên xuống cấp nghiêm trọng. Các bức tượng trong nhà thờ bị lực lượng nổi dậy coi là biểu tượng của các đời vua Pháp nên kéo xuống và chặt đầu. Phần lớn chuông đồng trong nhà thờ bị nấu chảy, chỉ trừ lại một chiếc, và công trình lịch sử này sau đó bị phe nổi dậy biến thành kho chứa thực phẩm.
Tình trạng xập xệ của công trình vĩ đại này được nhà văn Victor Hugo đề cập trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng "Thằng gù ở nhà thờ Đức Bà Paris" xuất bản năm 1831.
Cuốn tiểu thuyết của Hugo đã khiến dư luận nước Pháp chú ý hơn tới sự xuống cấp của nhà thờ Đức Bà Paris và Napoleon đã quyết định tiến hành các đợt trùng tu lớn với công trình này vào giữa thế kỷ 19. Các kiến trúc sư Jean-Baptiste-Antoine Lassus và Eugène-Emmanuel Viollet-le-Duc đã quyết định phục dựng phần tháp nhọn và các trụ chống kiểu vòm cho nhà thờ.
Nhà thờ Đức Bà Paris đã trải qua nhiều đợt trùng tu khác, trong đó có những dự án lớn được nước Pháp tiến hành vào năm 1963 và 1991. Tuy nhiên, trải qua mưa nắng của thời gian cùng tình trạng ô nhiễm không khí và mưa axit ngày càng nghiêm trọng, nhà thờ Đức Bà Paris ngày càng xuống cấp và từng được đánh giá là "nguy cấp".
Tờ The Local của Pháp năm 2017 cho biết nhiều miệng máng xối được điêu khắc hình đầu thú và đầu người trên mái nhà thờ đã bị phá hủy hoặc bị gãy, buộc nhà chức trách Paris phải khắc phục bằng các ống thoát nước bằng nhựa. Có những chỗ toàn bộ phần lan can bằng đá đã bị mất và được thay thế bằng ván ép, trong khi các chi tiết trang trí trên trụ chống kiểu vòm bị rơi xuống và được xếp dưới mặt đất để đảm bảo an toàn.
Trước khi bị thiêu rụi trong vụ cháy hôm qua, tháp nhọn bằng gỗ được phủ chì nặng 250 tấn, cao tới 93 m trên nóc nhà thờ cũng xuống cấp nghiêm trọng và cần được bảo trì. Lớp chì bảo vệ cấu trúc gỗ của tháp nhọn khỏi mưa nắng đã bị bào mòn theo thời gian.
Chính quyền Paris phát tín hiệu báo động về tình trạng của nhà thờ Đức Bà cách đây vài năm và tìm cách kêu gọi các nhà bảo trợ, nhất là ở Mỹ, quyên góp tiền duy tu công trình. Chính phủ Pháp sau đó thực hiện dự án trị giá 6,8 triệu USD để gìn giữ nhà thờ này cho các thế hệ tiếp theo, nhưng vụ cháy xảy ra khi công tác bảo trì đang được tiến hành, khiến phần lớn các cấu trúc của nhà thờ phải xây dựng lại hoàn toàn.
Ngoài phần mái vòm bằng gỗ gần như bị phá hủy trong đám cháy, nhiều người lo ngại về số phận của ba cửa sổ hoa hồng nổi tiếng cùng rất nhiều báu vật lịch sử trong nhà thờ, trong đó có cây đàn organ từ thế kỷ 17. Rất may là trước khi vụ cháy xảy ra, các công nhân bảo dưỡng đã di chuyển nhiều đồ vật quý giá ra khỏi nhà thờ, trong đó có những bức tượng đồng từ thế kỷ 12 và 13 ở tháp nhọn. Những bức tượng này ban đầu được đặt ở phần tháp cao gần 100 m so với mặt đất, nhưng đã được dỡ xuống bằng cần cẩu chỉ một tuần trước khi hỏa hoạn xảy ra.
Tuy nhiên, vẫn còn vô số kiệt tác hội họa và thánh tích bên trong nhà thờ khi ngọn lửa lớn bùng lên tối 15/4, khiến mái vòm và tháp nhọn sụp đổ. Các nhân viên cứu hộ đã tìm cách cứu số báu vật này khi chiến đấu với ngọn lửa suốt nhiều giờ, trong đó có vương miện gai, được cho là vật mà Chúa Jesus đội trên đầu khi ngài bị đóng đinh trên thập giá.
Khi ngọn lửa được khống chế lúc 0h ngày 16/4, rất nhiều người dân Paris đã bật khóc chứng kiến "trái tim của thủ đô" trở nên hoang tàn. "Đây là một mất mát không thể đo đếm được", Bertrand Delanoë, cựu thị trưởng Paris, không nén nổi xúc động khi phát biểu với báo giới. "Nhà thờ Đức Bà Paris cần phải sống. Đây là di sản của toàn nhân loại".
Thành Nguyễn (Theo NYTimes, Guardian)