Trước cuộc gặp chớp nhoáng giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hôm 30/6, Bình Nhưỡng thông báo với Washington rằng cựu đại sứ Triều Tiên ở Việt Nam Kim Myong-gil sẽ là người đại diện nước này tham gia các cuộc đàm phán với đặc phái viên Mỹ Stephen Biegun, một nguồn tin giấu tên am hiểu vấn đề cho hay.
Truyền thông Hàn Quốc hôm 4/7 đưa tin Kim Myong-gil sẽ thay thế vị trí của Kim Hyok-chol, nhà ngoại giao từng giữ vai trò đặc phái viên Triều Tiên đàm phán với Mỹ trước hội nghị thượng đỉnh Trump - Kim ở Hà Nội hồi tháng hai.
Kim Hyok-chol, cựu đại sứ Triều Tiên tại Tây Ban Nha, được cho là đã mất chức sau khi hội nghị thượng đỉnh ở Hà Nội kết thúc mà không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào. Một quan chức cấp cao khác là Kim Yong-chol, người đại diện cho Triều Tiên đàm phán với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, nhiều khả năng cũng không giữ được vai trò của mình, dù ông gần đây vẫn xuất hiện tại một số sự kiện công khai bên cạnh lãnh đạo Kim Jong-un.
Sau cuộc gặp với lãnh đạo Triều Tiên cuối tuần trước, Tổng thống Mỹ cho hay hai bên đã thống nhất nối lại các cuộc thảo luận đã bị đình trệ từ cuối tháng hai. Lúc bấy giờ, Trump tiết lộ Kim đã cử một người mà "chúng ta đều biết và yêu quý" đảm nhận công việc trao đổi, làm việc với phía Mỹ, nhưng không cung cấp danh tính.
Kim Myong-gil từng tham gia các cuộc đàm phán 6 bên trong giai đoạn 2006-2009 với tư cách phó trưởng phái đoàn Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc. Là cựu thành viên Viện Hòa bình và Giảm thiểu Vũ khí thuộc Bộ Ngoại giao Triều Tiên, Kim Myong-gil được cho là có am hiểu sâu sắc về Mỹ.
Khi Jo Myong-rok, phó chủ tịch thứ nhất Ủy ban Quốc phòng Triều Tiên, tới thăm Mỹ vào tháng 10/2000 với vai trò đặc phái viên của lãnh đạo Kim Jong-il, Kim Myong-gil cũng có mặt trong phái đoàn.
Năm 2007, ông được cho là đã tổ chức các cuộc thảo luận bí mật ở New York với Christopher Hill, thứ trưởng ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề về Đông Á và Thái Bình Dương. Những cuộc thảo luận này giúp giải quyết khúc mắc liên quan tới số tiền 25 triệu USD trong các tài khoản của Triều Tiên tại ngân hàng Banco Delta Asia ở Macao.
Kim Myong-gil giữ chức Đại sứ Triều Tiên tại Việt Nam trong ba năm, từ tháng 8/2015 đến tháng 4/2019. Ông thường xuyên xuất hiện bên cạnh lãnh đạo Kim Jong-un khi gặp mặt Tổng thống Trump và các quan chức Việt Nam trong thời gian ở Hà Nội. Việc đầu tiên lãnh đạo Kim Jong-un làm khi đặt chân tới Hà Nội là thăm Đại sứ quán Triều Tiên.
"Kim Myong-gil có kinh nghiệm xử lý những vấn đề liên quan đến Mỹ và rất am hiểu người Mỹ. Việc cử ông ấy làm đại diện đàm phán với đặc phái viên Mỹ Biegun có thể là một quyết định đúng đắn", Ken Gause, chuyên gia về Triều Tiên, nhận định.
Nếu thông tin thay đổi nhân sự trên được xác nhận, kinh nghiệm ngoại giao lâu năm của Kim Myong-gil có thể mang đến cơ hội cho đàm phán hạt nhân Mỹ - Triều, song cũng là thách thức với đặc phái viên Mỹ Biegun, theo Duyeon Kim, chuyên gia tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới.
"Các cuộc thảo luận của Biegun sẽ trở nên dễ dàng hơn bởi Kim Myong-gil biết cách 'đàm phán ngoại giao' và hiểu rõ các vấn đề. Nhưng với những hiểu biết và kinh nghiệm của mình, ông cũng có thể khiến đàm phán trở nên khó khăn hơn", Duyeon Kim nói. "Các nhà ngoại giao Triều Tiên luôn tự nhận họ hiểu Mỹ hơn là cách người Mỹ hiểu Triều Tiên".
Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng hiện chưa rõ liệu việc thay đổi nhà đàm phán có giúp các cuộc thảo luận đạt được tiến bộ hay không. "Rốt cuộc trưởng đoàn đàm phán là ai không thực sự quá quan trọng, bởi họ vẫn nhận lệnh từ lãnh đạo Kim Jong-un", bà nhấn mạnh.
Vũ Hoàng (Theo Reuters, Hani)