Tổng thống Mỹ Donald Trump tháng trước tăng thuế lên 25% với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và đe dọa sẽ tiếp tục áp thuế với 300 tỷ USD hàng hóa còn lại. Bắc Kinh sau đó trả đũa bằng việc nâng thuế với 60 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ và tuyên bố sẽ "chiến đấu tới cùng" trong cuộc chiến tranh thương mại khốc liệt.
Trong khi cuộc chiến tranh thương mại với "gã khổng lồ" Trung Quốc chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, Trump lại mở thêm một mặt trận mới, khi thông báo sẽ áp thuế 5% với hàng hóa nhập khẩu từ Mexico từ ngày 10/6 vì nước này không kiểm soát được dòng người nhập cư trái phép vào Mỹ. Ông còn khẳng định mức thuế sẽ tăng 5% mỗi tháng, cho đến khi chạm mức 25% vào ngày 1/10.
Nhiều người cho rằng Tổng thống Trump hiện chiếm ưu thế trên cả hai mặt trận, bởi lượng hàng hóa Mỹ nhập từ Trung Quốc và Mexico lớn hơn so với chiều ngược lại. Nói cách khác, về mặt kinh tế, Trung Quốc và Mexico cần Mỹ hơn Mỹ cần họ.
Song theo giới chuyên gia, nhận thức trên chỉ bắt nguồn từ những tính toán kinh tế đơn thuần mà bỏ qua yếu tố chính trị, đặc biệt là trong bối cảnh Trump đang chuẩn bị cho chiến dịch tái tranh cử vào năm 2020. Một nền kinh tế Mỹ phát triển mạnh mẽ sẽ là minh chứng rõ nét nhất cho thành công trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông và giúp ông thu hút ủng hộ từ cử tri để giành chiến thắng trên đường đua vào Nhà Trắng lần hai.
Nhưng gần đây đã có những dấu hiệu cho thấy các chính sách thương mại của Trump đang khiến thị trường và nền kinh tế Mỹ trở nên hỗn loạn. Tình trạng này có thể sẽ leo thang nhanh chóng nếu Tổng thống Mỹ không đạt được thỏa thuận để giải quyết tranh chấp thương mại với các đối thủ vào tháng 9.
"Bạn sẽ bị bỏng nếu cứ chơi với lửa và đe dọa thế giới bằng đòn thuế quan hay lệnh trừng phạt", Chris Rupkey, nhà kinh tế tài chính tại ngân hàng MUFG Union, bình luận. "Nền kinh tế Mỹ rõ ràng đang chịu tổn thất. Không chỉ các nhà máy từ chối quay trở lại Mỹ mà những công ty hiện nay cũng không tạo ra thêm việc làm mới".
Việc nâng hàng rào thuế quan với các mặt hàng nhập khẩu chính là đòn đánh trực diện vào túi tiền của người dân Mỹ. Đến nay, những chi phí này còn khiêm tốn. Như Trump và các quan chức hàng đầu Nhà Trắng nói, lạm phát vẫn ở mức thấp và đây là lý do chính khiến làn sóng phản đối chính sách thuế của Trump chưa trở nên rõ ràng.
Tuy nhiên, thực tế trên có thể thay đổi vào tháng 8 và tháng 9 bởi hai lý do chính. Đầu tiên, trong khi Trump chuẩn bị cho những vòng tăng thuế mới, cuộc chiến tranh thương mại của ông đang gia tăng gánh nặng chi phí lên người dân Mỹ, khiến họ dần nhận ra rằng không ai khác, chính dân chúng là bên bị ảnh hưởng nhiều nhất từ cuộc chiến.
Thứ hai, theo Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia Mỹ, tháng 8 và tháng 9 là thời điểm quan trọng khi các nhà bán lẻ nhập khẩu hàng hóa để chuẩn bị cho mùa mua sắm cho các dịp lễ quan trọng cuối năm. Nếu hàng rào thuế quan Trump đặt ra khi đó chưa được gỡ bỏ, giá cả hàng hóa chắc chắn sẽ tăng trong mùa lễ 2019.
"Các lô hàng sẽ cập cảng vào tháng 8, tháng bắt đầu của mùa vận chuyển cao điểm", Bethany Aronhalt, phát ngôn viên Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia Mỹ, cho hay.
Hồi đầu năm, các biện pháp thuế của Trump khiến một gia đình bình thường ở Mỹ tăng chi phí sinh hoạt khoảng 480 USD/năm. Tháng trước, khi Trump tăng thuế với hàng hóa Trung Quốc, mức chi phí đối với một gia đình bình thường 4 người ở Mỹ tăng 860 USD/năm. Sang tuần, khi các biện pháp thuế của Trump đối với Mexico bắt đầu có hiệu lực, chi phí sinh hoạt hàng năm của một hộ gia đình Mỹ lại tăng lên hơn 1.000 USD. Nếu ông chủ Nhà Trắng không từ bỏ lời đe dọa tăng thuế với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, mức tăng chi phí mà một hộ gia đình 4 người ở Mỹ phải gánh chịu thậm chí sẽ vượt mức 2.000 USD/năm.
Người dân Mỹ đang dần cảm thấy sức nóng từ cuộc chiến tranh thương mại khi họ đi mua sắm. Tháng 9 này, mức chi phí từ các biện pháp thuế của Trump có thể tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm trước.
Chi tiêu dùng là xương sống của nền kinh tế Mỹ. Bất cứ thứ gì khiến người tiêu dùng lo lắng và hạn chế chi tiêu đều sẽ có tác động lớn với nền kinh tế Mỹ.
"Dù tốt hay xấu, Tổng thống là người đang điều khiển nền kinh tế", Phil Levy, nhà phân tích thương mại, cựu thành viên Hội đồng Cố vấn Kinh tế dưới thời tổng thống Mỹ George W.Bush, bình luận. "Trump sẽ phải chịu trách nhiệm nếu tình hình kinh tế xấu đi".
Trump nhiều khả năng cũng sẽ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ nông dân Mỹ nếu ông không thể xoa dịu căng thẳng với Trung Quốc vào mùa thu này. Năm ngoái, đa phần nông dân Mỹ không bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thuế bởi họ đã bán sớm hầu hết nông sản trước khi hàng rào thuế quan có hiệu lực và Trung Quốc đáp trả bằng cách hạn chế mua sản phẩm nông nghiệp Mỹ.
Tình hình năm nay sẽ khác. Rất nhiều nông dân Mỹ đang rơi vào tình cảnh ngặt nghèo khi doanh số sụt giảm bởi cánh cửa vào thị trường Trung Quốc đã khép lại. Bên cạnh đó, thời tiết không thuận lợi với mưa lũ liên miên khiến sản lượng không được như mong muốn. Nông dân cần giá đậu tương cùng các loại nông sản khác tăng vào mùa thu hoạch tháng 9 và tháng 10.
"Tôi phải kiếm tiền. Chi phí của tôi vẫn không ngừng tăng giống như bao người khác", Phil Ramsey, nông dân trồng đậu tương ở Shelbyville, bang Indiana, cho hay. "Một năm trước, tôi đã kiên nhẫn bởi tôi nghĩ chính phủ sẽ xử lý xong mọi vấn đề trong vòng 6 tháng. Nhưng nay, 14 tháng đã trôi qua, tôi không rõ họ đã đi đến đâu so với một năm trước".
Nhà Trắng đã chi hàng tỷ USD hỗ trợ nông dân và cam kết sẽ tiếp tục rót thêm nhiều tỷ USD nữa. Các nông dân trồng đậu tương cho biết họ chưa quay lưng với Trump, nhưng như một người làm nông ở Iowa nói, tình cảm của họ đối với Tổng thống Trump "đã chuyển từ tích cực sang trung lập". Họ muốn sớm nhận được một giải pháp.
"Rất nhiều người ủng hộ Tổng thống tin rằng ông là một nhà đàm phán khôn ngoan. Nhưng tôi không chắc chúng ta đã nhìn thấy bất kỳ bằng chứng nào về điều này", Levy nói. "Có thể ông ấy không phải bậc thầy đàm phán thực sự".
Vũ Hoàng (Theo Washington Post)