![hai-nguoi-viet-bi-bat-o-kenya-vi-mang-sung-te-giac](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2016/01/27/te-5301-1453866527.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=X_5BhOtcXAaIrDR1y1LYiA)
Tình trạng săn trộm sừng tê giác ở châu Phi vẫn tăng. Ảnh minh họa: Reuters
Nhóm này đang trên đường từ Kinshasa, Congo, đến Trung Quốc, thì bị phát hiện tại sân bay quốc tế Jomo Kenyatta, ở Nairobi tối ngày 25/1, tờ Standard Media cho biết.
Theo ông Joseph Ngisa, người đứng đầu cơ quan Điều tra tội phạm của sân bay, hai người Việt mang theo vòng làm từ sừng tê giác, trị giá 80.000 Sh, tương đương hơn 780 USD. Người Trung Quốc có trong người một chiếc vòng cổ với răng sư tử trị giá 20.000 Sh, tương đương 200 USD.
"Các hành khách cần biết rằng đem theo bộ phận cơ thể động vật là phạm pháp ở Kenya. Họ sẽ bị đưa ra tòa", ông Ngisa nói.
Standard Media cho hay tình trạng săn trộm động vật hoang dã ở khu vực đang tăng lên. Những kẻ trộm có vũ khí giết hại voi lấy ngà và tê giác lấy sừng, thường chuyển chúng sang châu Á để làm đồ trang trí hoặc làm thuốc. Chính phủ Kenya đã sử dụng các thiết bị giám sát công nghệ cao, gồm có máy bay không người lái, để kiểm soát những băng nhóm săn trộm, dán nhãn lên voi và tê giác trong các công viên quốc gia. Quốc hội nước này cũng thông qua các luật cấm săn trộm nghiêm khắc, trong khi chính phủ tăng cường an ninh ở các công viên.
Kenya gần đây trở thành điểm trung chuyển chính hàng lậu của các tay săn trộm từ đông và trung Phi, sau đó chúng đưa đến châu Á.
Việt Nam bị coi là một thị trường nhập khẩu nhiều sừng tê giác. Các tổ chức quốc tế đã lên tiếng cảnh báo, thực hiện các chiến dịch tuyên truyền nhằm cải thiện tình trạng này.
Khánh Lynh