![41 kg sừng tê cảnh sát Nam Phi tịch thu được từ hai người Việt tại sân bay Johannesburg. Ảnh: Citizen](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2015/06/11/sung-te1-7048-1415249989-2636-1434014254.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=waR2C7S_sQZ3Yj0N8AYgPw)
41 kg sừng tê cảnh sát Nam Phi tịch thu từ hai người Việt tại sân bay Johannesburg. Ảnh: Citizen
Theo Citizen, có những bằng chứng mới cho thấy hai nghi phạm trên liên quan đến việc giết hại tê giác ở Nam Phi.
Ông Hangwani Mulaudzi, phát ngôn viên cơ quan điều tra tội phạm Nam Phi, xác nhận thông tin trên. Tuy nhiên không rõ số sừng tê mà cảnh sát tịch thu có phải từ tê giác bị săn bắn ở nước này hay không.
Các công dân Việt Nam bị bắt giữ tại sân bay OR Tambo, thủ đô Johannesburg vào tháng 10 năm ngoái, với số sừng tê trị giá gần 400.000 USD. Khi đó họ vừa rời Mozambique và đang quá cảnh ở Nam Phi trước khi bay về Việt Nam.
Hai người đã bị buộc tội sở hữu trái phép và buôn lậu sừng tê. Vào thời điểm đó, cảnh sát nghi ngờ số sừng có nguồn gốc từ các con tê giác tại Công viên quốc gia Kruger Nam Phi và đã tiến hành kiểm tra.
Hai nghi phạm đã ra tòa nhiều lần, gần nhất là ngày 5/6 vừa qua. Họ dự kiến quay lại tòa vào ngày mai.
Nam Phi sở hữu ước tính 20.000 con tê giác, nhiều nhất ở châu Phi. Sừng của chúng có thể được bán lậu với giá lên đến 65.000 USD một kg, gần gấp đôi giá vàng, trong đó Trung Quốc và Việt Nam là những thị trường tiêu thụ lớn nhất.
Những năm gần đây, Nam Phi đã đẩy mạnh các nỗ lực chống săn bắt trộm tê giác bằng việc đầu tư hàng triệu USD vào các thiết bị theo dõi và triển khai hàng trăm binh sĩ dọc biên giới, nhằm phát hiện các nhóm buôn lậu sừng tê giác.
Tuy nhiên, sừng tê vẫn là mặt hàng được nhiều người châu Á săn đón với niềm tin rằng nó biểu tượng cho đẳng cấp và có tác dụng chữa bách bệnh.
Anh Ngọc