"Chúng tôi phải tôn trọng các quy tắc", Anna Burro cho biết. Người phụ nữ 56 tuổi này và người bạn từ thời thơ ấu đã tìm nhau suốt nhiều thập kỷ. Bất chấp bao nỗi niềm, họ đứng không quá gần nhau khi gặp lại hôm 10/3 tại thành phố Verona, vùng Veneto, miền bắc Italy, một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của Covid-19.
Chính phủ Italy hôm 8/3 áp lệnh phong tỏa vùng Lombardy, khu vực đông dân và giàu có nhất đất nước, cùng 11 tỉnh ở vùng Emilia-Romagna, Veneto, Piedmont và Marche. Khi đưa ra tuyên bố, Thủ tướng Giuseppe Conte đã kêu gọi người dân không tìm cách lách luật, đồng thời vất vả giải đáp hàng loạt thắc mắc từ các chính trị gia đối lập cũng như các nhà khoa học về ý nghĩa thực sự của lệnh phong tỏa.
Tuy nhiên, chỉ hai hôm sau, cả đất nước dường như thực sự hoảng sợ, trong bối cảnh số người chết vì Covid-19 không ngừng tăng mỗi ngày. Italy hiện ghi nhận hơn 12.400 ca nhiễm nCoV và 827 ca tử vong, cao thứ hai thế giới sau Trung Quốc đại lục. Sau khi chính phủ quyết định phong tỏa toàn quốc, các con phố, cửa hàng, nhà thờ, sân vận động gần như không có bóng người.
Ở thủ đô Rome, dòng nước tại Đài phun Trevi nổi tiếng vẫn chảy, nhưng không có ai xung quanh, lác đác vài người đi qua Vương cung Thánh đường St. Peter thuộc Vatican. Chính phủ đã hướng dẫn các du khách trở về nhà hoặc khách sạn của họ.
Bên ngoài các siêu thị, người dân xếp hàng để mua nhu yếu phẩm. Chỉ vài người được phép vào trong cùng lúc, theo quy tắc về giữ khoảng cách nhằm đề phòng nCoV lây lan. Ngay cả những người chạy bộ trong khu Monteverde cũng đeo khẩu trang và găng tay cao su. Một số phụ huynh bắt đầu làm quen với việc tự dạy con tại nhà trong bối cảnh trường học đóng cửa ít nhất đến ngày 3/4.
Lệnh phong tỏa không phải tuyệt đối. Người dân được khuyến cáo ở trong nhà, nhưng vẫn được phép ra đường nếu có công việc, cần mua những đồ thiết yếu hoặc vì lý do sức khỏe. Cảnh sát và binh sĩ thiết lập trạm kiểm soát khắp cả nước, yêu cầu người dân điền vào mẫu đơn, giải thích lý do họ ra ngoài. Chính quyền sau đó có thể xác minh thông tin và phạt những người nói dối.
Tại một trạm kiểm soát ở ga tàu thành phố Bologna, Valentina Scicolone gọi tình huống này là "siêu thực". Người phụ nữ 30 tuổi vừa đến thăm bạn trai, nhưng giờ đây phải bắt tàu về Milan để giám sát việc cải tạo khách sạn mà cô đang làm việc. Scicolone nhận thức được rằng lãng mạn không phải lý do chính đáng cho việc di chuyển, nên không chắc có thể trở lại Bologna hay không. "Tôi không biết khi nào mới gặp lại anh ấy", cô nói.
Một số người cao tuổi cho biết đường phố giống như thời chiến. Vào 18h mỗi ngày, các quan chức y tế và phòng vệ dân sự sẽ xuất hiện trên truyền hình để cập nhật số ca nhiễm nCoV và trường hợp tử vong. Nghi thức này càng làm tăng cảm giác về một thảm họa.
Daniele Macchini, bác sĩ tại bệnh viện thành phố Bergamo, vùng Lombardy, dùng mạng xã hội để chia sẻ tình trạng căng thẳng mà hệ thống y tế đang gánh chịu do số bệnh nhân quá đông. "Chiến tranh đã bùng nổ theo nghĩa đen, với những cuộc chiến không ngừng cả ngày lẫn đêm", ông cho hay.
"Từng người xấu số được đưa vào phòng cấp cứu. Họ gặp những biến chứng vượt xa bệnh cúm. Hãy thôi nói rằng đây chỉ là một dạng cúm nặng", Macchini viết thêm, đồng thời gọi tình huống này là "thảm họa dịch tễ học" khiến các bác sĩ quá tải.
Cựu thủ tướng Italy Matteo Renzi đánh giá những biện pháp cứng rắn trên diện rộng, như lệnh phong tỏa của chính phủ, là cần thiết để cứu toàn bộ châu Âu. "Hôm nay Italy là vùng đỏ, nhưng 10 ngày nữa đó sẽ là Madrid, Paris và Berlin. Italy cần cho mọi người thấy cách ngăn chặn dịch bệnh. Nếu không, vùng đỏ sẽ bao trùm toàn châu Âu", ông nói.
Giới chức ở miền bắc Italy, tuyến đầu chống dịch bệnh, thậm chí đang thúc đẩy những biện pháp mạnh mẽ hơn. Họ đề xuất chính phủ đình chỉ tất cả hoạt động thương mại và giao thông công cộng trong vòng hai tuần, nhằm ngăn chặn triệt để sự lây nhiễm nCoV.
Attilio Fontana, thống đốc vùng Lombardy, nhận định đây là "thời khắc cần kiên quyết". Luca Zaia, thống đốc vùng Veneto, cũng đồng tình khi cho rằng những biện pháp hà khắc hơn mới có thể ngăn chặn dịch bệnh và cứu hệ thống y tế. Ông nói thêm rằng "đóng cửa hoàn toàn" vẫn tốt hơn "kéo dài nỗi đau".
Tại một quán ăn ở thủ đô Rome, một nhân viên đeo khẩu trang án ngữ ở cửa để giới hạn số khách được phép vào trong cùng lúc. "Đúng là mọi người đều đang sợ hãi", Nadia Bucciarelli, nhân viên bán hàng tại cửa tiệm gần đó, cho hay.
Tuy nhiên, bất chấp nỗi sợ dịch bệnh, nhiều cửa hàng vẫn không đóng cửa do lo ngại thiệt hại kinh tế. "Mọi thứ vô cùng tồi tệ", một người đàn ông cho biết trong lúc cố thuyết phục thực khách vào dùng bữa tại một nhà hàng trên quảng trường Navonna.
Những người lao động buộc phải ra ngoài tiếp xúc xã hội vì kế sinh nhai cảm thấy bức bối. Họ khó chịu trước lời kêu gọi không ra ngoài của những người nổi tiếng và cho rằng chỉ tầng lớp trên mới có thể làm vậy.
"Họ ở nhà bởi đủ khả năng chi trả hóa đơn. Nhiều cửa hàng đóng cửa không phải vì bị bắt buộc, mà vì chẳng ai ra ngoài để đến đó nữa", Andrea Arcangeli, tài xế taxi 41 tuổi, cho biết trong lúc nhìn ra con phố vắng lặng ở Rome.
Ánh Ngọc (Theo NY Times)