Italy hôm 10/3 trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên áp lệnh phong tỏa toàn quốc, ngăn hơn 60 triệu dân di chuyển, trong một nỗ lực chưa từng có nhằm đối phó với Covid-19 đang lây lan nghiêm trọng, khiến hơn 10.000 người ở nước này nhiễm bệnh và hơn 600 người tử vong.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo các nước châu Âu có thể đi vào "vết xe đổ" của Italy trong 2-3 tuần tới, khi số ca nhiễm nCoV tại các quốc gia trong khu vực như Pháp, Đức, Tây Ban Nha đang tăng ngày càng nhanh. Bên cạnh đó, với việc Cyprus ghi nhận ca nCoV đầu tiên, Covid-19 giờ đây hiện diện tại mọi quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU).
Theo bình luận viên Mark Landler của NY Times, Covid-19 ít nhiều đang làm xáo trộn nhịp sống ở châu Âu, đồng thời phơi bày những hạn chế của EU trong việc đối phó khủng hoảng y tế toàn lục địa. Các quốc gia với những hệ thống y tế cũng như mức độ lây nhiễm khác nhau đang đưa ra những phản ứng thiếu nhất quán trước dịch bệnh.
Nhân viên y tế tại một trạm kiểm soát ở thành phố Brescia, vùng Lombardy, Italy hôm 3/3. Ảnh: Reuters. |
Một số nước tỏ ra quyết liệt trong cuộc chiến chống Covid-19. Hy Lạp, nơi ghi nhận khoảng 90 ca nhiễm nCoV và Cộng hòa Czech, quốc gia xuất hiện hơn 60 bệnh nhân, tuyên bố đóng cửa toàn bộ trường học. Ba Lan, nơi chỉ có hơn 20 ca nhiễm, hủy tất cả sự kiện lớn. Chính quyền thành phố Poznan phía tây nước này thậm chí đóng cửa trường học, bể bơi và nhiều địa điểm công cộng khác ngay sau khi phát hiện ca dương tính nCoV đầu tiên.
Áo, nơi ghi nhận hơn 180 ca nhiễm, đã cấm tất cả người từ Italy nhập cảnh trừ trường hợp y tế khẩn cấp, đồng thời đình chỉ mọi sự kiện ngoài trời quy mô hơn 500 người và sự kiện trong nhà từ 100 người trở lên. Serbia cũng cấm nhập cảnh với hành khách từ những nơi dịch bệnh nghiêm trọng, trong khi giới chức Croatia bắt buộc các đối tượng này cách ly 14 ngày.
Đan Mạch chặn tất cả tuyến hàng không từ những nước chịu ảnh hưởng nặng nề vì Covid-19. Ireland hủy các cuộc diễu hành nhân Ngày St. Patrick. Thủ tướng Bỉ Sophie Wilmes cũng khuyến nghị hoãn những sự kiện trong nhà có hơn 1.000 người, đồng thời khuyên người dân làm việc tại nhà nếu có thể.
Trong khi đó, chính phủ Anh, nơi ghi nhận gần 400 ca nhiễm nCoV, vẫn chưa thực hiện bất cứ biện pháp quyết liệt nào để ngăn virus lây lan. Phát ngôn viên của Thủ tướng Anh cho biết tất cả quyết định "đều dựa trên những thông tin khoa học tốt nhất hiện có" và họ "sẽ tiếp tục làm như vậy", bất chấp cảnh báo của một số chuyên gia rằng tình hình của Anh sẽ tương tự Italy hiện nay trong vài tuần tới.
Bất chấp thái độ thờ ơ của chính phủ, chuỗi siêu thị Tesco của Anh bắt đầu phải giới hạn việc phân phối xà phòng diệt khuẩn, khăn lau và mì ống do người dân tranh nhau "vơ vét" các kệ hàng, tình trạng thường không xuất hiện ở đất nước luôn tự hào về sự bình tĩnh này.
Đức dường như có cách tiếp cận mạnh mẽ hơn Anh để kiềm chế nCoV. Chính quyền Berlin tuyên bố đóng cửa tất cả nhà hát và phòng hòa nhạc ít nhất tới hết kỳ nghỉ lễ Phục sinh vào đầu tháng sau. Thủ đô nước Đức cũng là địa phương thứ 7 trong số 16 bang cấm tụ tập trên 1.000 người.
Tuy nhiên, chính phủ Đức vẫn chưa áp lệnh bắt buộc hủy hoặc hoãn các sự kiện quy mô lớn trên toàn quốc, mà chỉ dừng lại ở mức kêu gọi. "Tôi hết sức khuyến nghị việc hủy những sự kiện hơn 1.000 người tham gia cho tới khi có thông báo mới", Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cho hay.
Đức mới ghi nhận hai trường hợp tử vong vì nCoV, nhưng số ca nhiễm không ngừng tăng mạnh và đã vượt 1.500 người. Theo bình luận viên Mark Landler, chỉ chừng đó cũng đủ để giới chức Đức nghĩ lại về việc đặt hy vọng vào ý thức tự giác của người dân.
Tại Tây Ban Nha, số ca nhiễm nCoV tăng đột biến lên gần 1.700 với gần 40 người tử vong, trong khi hôm 8/3 mới có 589 ca, thúc đẩy chính phủ đình chỉ các chuyến bay từ Italy. Tuy nhiên, lệnh đóng cửa trường học mới được áp dụng ở một số khu vực, không phải trên toàn quốc.
Giới chức cũng chỉ hủy một số sự kiện lớn, như giải marathon ở Barcelona, nhưng nhiều sự kiện khác vẫn được tiến hành, như cuộc mít tinh ở Madrid và các thành phố khác nhằm kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ. "Tây Ban Nha sẽ không có chuyện lây nhiễm mất kiểm soát trên toàn quốc", Fernando Simon, giám đốc trung tâm điều phối cảnh báo y tế của nước này, phát biểu.
Tại Pháp, quốc gia ghi nhận gần 1.800 ca nhiễm nCoV và hơn 30 trường hợp tử vong, chính phủ đã cấm toàn bộ việc tụ tập quy mô hơn 1.000 người. Giới chức cũng đóng cửa các trường học tại hai khu vực dịch bệnh nghiêm trọng là Oise và Haut-Rhin, đồng thời sẵn sàng chuyển sang "Giai đoạn Ba" trong việc chống dịch, bao gồm để người có triệu chứng nhẹ tự cách ly ở nhà, tránh quá tải cho các bệnh viện.
Nhằm đảm bảo nguồn vật tư y tế, Pháp còn không cho phép xuất khẩu khẩu trang, nước rửa tay và đồ bảo hộ, bất chấp việc EU đề nghị họ chia sẻ với các quốc gia khác. Giới chức và cảnh sát cũng nâng cao cảnh giác trước tình trạng ăn cắp khẩu trang từ bệnh viện và "thổi giá" những mặt hàng thiết yếu.
Mặc dù đã triển khai loạt biện pháp được cho là khá mạnh tay, giới chức Pháp vẫn tránh lệnh phong tỏa quy mô lớn như ở Italy bởi lo ngại về ảnh hưởng kinh tế. "Chúng tôi sẽ không để nền kinh tế và đời sống xã hội của đất nước bị tê liệt", Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran, cho hay.
Một số chuyên gia nhận định biện pháp phong tỏa các khu vực hay cả một quốc gia sẽ phải trả giá bằng tổn thất kinh tế, thậm chí có nguy cơ lớn hơn rủi ro sức khỏe từ dịch bệnh. Họ lo ngại việc Trung Quốc ngăn chặn thành công Covid-19 nhờ việc phong tỏa hàng loạt thành phố sẽ khuyến khích thêm nhiều quốc gia xem xét hành động tương tự.
"Thế giới chúng ta đang sống sẽ ngày càng thường xuyên xuất hiện những chủng virus như vậy. Nếu lần nào các nước cũng áp dụng biện pháp đó, chúng ta sẽ kéo toàn bộ nền kinh tế lao dốc", chuyên gia bệnh truyền nhiễm Francois Bricaire, thành viên Học viện Y khoa Pháp, nêu ý kiến.
Tăng trưởng tại châu Âu gần bằng không ngay cả trước khi Covid-19 bùng phát. Hãng xe Volkswagen, vốn phải vật lộn vì chuỗi cung ứng bị phá vỡ sau khi dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc, giờ đây lại thiếu hụt phụ tùng từ Italy, nguồn cung cấp quan trọng với các nhà sản xuất ôtô hơn cả những doanh nghiệp Trung Quốc.
Tại Anh, giới chức lo ngại tình trạng lan truyền thông tin không chính xác về nguy cơ từ Covid-19. Các chuyên gia y tế nước này cho biết Thủ tướng Johnson và giới chức vừa cần giữ phản ứng chừng mực, vừa phải giúp người dân chuẩn bị cho những hành động cứng rắn hơn trong thời gian tới.
"Người Italy hành động vô cùng quyết liệt bởi dịch bệnh đã tràn lan, còn chúng tôi nên cân nhắc từng bước đi. Chúng tôi không muốn thực hiện những biện pháp hà khắc khiến cả xã hội đóng cửa", Bharat Pankhania, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Đại học Y khoa Exeter, cho hay. Tuy nhiên, ông thừa nhận tốc độ lây lan của nCoV đến một lúc nào đó sẽ buộc giới chức phải đưa ra quyết định khó khăn, như cấm tụ tập nơi công cộng.
Những trận bóng đá ở Đức vẫn diễn ra theo kế hoạch, bao gồm một trận đấu ở sân vận động thành phố Monchengladbach, thu hút 54.000 khán giả. Cách đó chỉ vài km là huyện Heinsberg, nơi ghi nhận hơn 200 ca nhiễm nCoV và trở thành ổ dịch lớn nhất cả nước.
Stephan Pusch, một quan chức tại Heinsberg, không rõ liệu việc tiếp tục tổ chức các trận bóng đá có đúng đắn hay không. Ông đã yêu cầu các trường học địa phương đóng cửa thêm một tuần và hủy những sự kiện nhỏ hơn trong khu vực. Tuy nhiên, hôm 8/3, Pusch nhấn mạnh ông sẽ không ra lệnh phong tỏa khu vực.
"Tôi dứt khoát loại trừ phương án này, bởi nó sẽ gây tổn hại niềm tin giữa chúng ta", Pusch nói.
Ánh Ngọc (Theo NY Times, Guardian)