"Các cuộc tấn công có chủ đích và hành động tàn ác mà Nga thực hiện nhằm vào dân thường Ukraine cùng việc phá hủy cơ sở hạ tầng dân sự và các vi phạm nghiêm trọng khác về nhân quyền, luật nhân đạo quốc tế, đều là hành động khủng bố", nghị quyết do Nghị viện châu Âu thông qua hôm nay có đoạn.
Nghị viện châu Âu khẳng định họ "coi Nga là nhà nước tài trợ khủng bố và là quốc gia sử dụng các phương thức của chủ nghĩa khủng bố".
Nghị quyết của nghị viện châu Âu được thông qua với 494 phiếu thuận và 58 phiếu chống. Đại diện Litva Andrius Kubilius là người dẫn dắt việc thúc đẩy nghị quyết.
"Việc nghị viện châu Âu công nhận điều thực tế này đã gửi tín hiệu chính trị rõ ràng. Châu Âu, người dân châu Âu không muốn thụ động khi người hàng xóm lớn vi phạm tất cả các tiêu chuẩn nhân đạo và quốc tế", ông Kubilius nói.
Nghị viện châu Âu là cơ quan lập pháp của Liên minh châu Âu (EU), với 705 ghế được bầu bởi công dân liên minh theo hình thức phổ thông đầu phiếu. EU không có khung pháp lý để thực thi hành động với các quốc gia bị coi là "nhà nước bảo trợ khủng bố". Do đó, động thái của Nghị viện châu Âu là hành động chính trị mang tính biểu tượng, không dẫn tới ảnh hưởng pháp lý. Tuy nhiên, Nghị viện châu Âu kêu gọi chính phủ của 27 nước thành viên EU hành động theo họ.
Kiev trước đó nhiều lần kêu gọi cộng đồng quốc tế tuyên bố Nga là "nhà nước khủng bố" vì mở chiến dịch quân sự tại Ukraine. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ca ngợi động thái của Nghị viện châu Âu. "Nga phải bị cô lập ở mọi cấp độ và phải chịu trách nhiệm, để chấm dứt chính sách khủng bố từ lâu của họ ở Ukraine cũng như toàn cầu", ông Zelensky cho biết.
Động thái của Nghị viện châu Âu có thể khiến Nga nổi giận. Moskva chưa bình luận về thông tin.
Mỹ là quốc gia lên án Nga gay gắt vì chiến dịch quân sự tại Ukraine, song cho rằng Nga không nên bị coi là nước tài trợ khủng bố. Moskva trong khi đó cũng cảnh báo sẽ cắt quan hệ song phương nếu Washington hành động như vậy. Nếu bị coi là nước tài trợ khủng bố, Nga sẽ bị Mỹ áp nhiều lệnh trừng phạt hơn và quan chức Nga sẽ bị loại bỏ quyền miễn trừ.
EU đã áp 8 vòng trừng phạt Nga, nhằm vào các mặt hàng xuất khẩu quan trọng cũng như các quan chức cấp cao nước này. Liên minh cũng hỗ trợ tích cực Ukraine và lên kế hoạch viện trợ thêm 18 tỷ euro vào năm sau cho Kiev.
Ngọc Ánh (Theo AFP)