Thứ trưởng Nông nghiệp Vu Khang Chấn hôm 19/3 thông báo Trung Quốc đã bước đầu thành công trong việc khống chế dịch tả lợn châu Phi, 105 ổ đã được khống chế dịch và được bỏ lệnh cách ly, theo Xinhua.
Theo số liệu của chính phủ Trung Quốc, virus dịch tả lợn châu Phi đã lan sang đa số tỉnh ở nội địa, trừ Tây Tạng và Thanh Hải, trong vòng 7 tháng sau khi ổ dịch đầu tiên được xác nhận vào tháng 8 năm ngoái. Toàn quốc có 113 ổ dịch, bao gồm hai ổ mới phát hiện vào tháng ba, 7 ổ hồi tháng hai và 5 ổ hồi tháng 1, thấp hơn hẳn so với tháng 11 và 12 năm ngoái với 21 và 25 ổ.
Tổ chức Thú y Thế giới từ chối bình luận về khả năng giấu giếm thông tin ổ dịch mới bùng phát. Tuy nhiên, những người trong ngành nghi ngờ thành công trên là kết quả của những biện pháp kiểm dịch hiệu quả, hay do chính quyền địa phương không muốn báo cáo số ca nhiễm bệnh mới, theo SCMP.
Khổng Đại Ngọ, chủ tịch Tập đoàn Nông nghiệp Đại Ngọ Hà Bắc, công ty điều hành những trang trại lợn quy mô lớn trong tỉnh, cho biết dịch tả lợn châu Phi tại Hà Bắc nghiêm trọng hơn nhiều so với số liệu chính phủ thông báo, vì nhiều vụ không được báo cáo. Tháng trước đã có 15.000 con lợn chết vì dịch ở huyện Từ Thủy, nhưng chính quyền không xác nhận.
"Phần lớn các trang trại lợn ở Hà Bắc đều tìm thấy lợn nhiễm bệnh, tình hình cũng tương tự ở các tỉnh lân cận là Hà Nam và Liêu Ninh", ông Khổng nói. "Đa số các vụ đều không được báo cáo".
Tổng giám đốc một công ty vắc xin động vật lớn ở Bắc Kinh giấu tên tiết lộ 60 tới 70% các trang trại lớn ở Hà Bắc đã bị nhiễm dịch.
"Nhiều trang trại nhỏ, một số trang trại quy mô vừa và lớn vẫn bán lợn dù phát hiện có lợn nhiễm bệnh", ông này nói. "Có 99 trang trại lợn giống ở Trung Quốc và tới cuối tháng hai, chỉ còn chưa tới 20 trang trại chưa bị dịch bệnh tấn công".
Một nhân viên Tập đoàn Chăn nuôi Công nghiệp Trung Quốc - một trong những công ty nhà nước lớn nhất ở Trung Quốc, cho biết dịch tả lợn châu Phi là đòn giáng mạnh vào ngành công nghiệp chăn nuôi lợn ở nước này.
"Chúng tôi không có vắc xin và không thể kiểm soát bệnh bằng thuốc. Tỷ lệ tử vong cao nhưng chúng tôi không có cách hữu hiệu để xử lý", người này nói.
Hơn 10 năm trước, một loại virus có khả năng lây nhiễm cao được gọi là bệnh "tai xanh" đã tấn công ngành chăn nuôi lợn Trung Quốc, khiến hơn 48.500 con nhiễm bệnh, gần 18.600 con chết. Nhưng không giống dịch tả lợn châu Phi, Trung Quốc đã sớm phát triển một loại vắc xin hiệu quả và kỹ thuật phát hiện bệnh sớm.
Một số cơ quan truyền thông cho hay không được đưa tin về những ổ dịch mới chưa được xác nhận.
"Lo lắng có thể gây hoang mang trong xã hội", biên tập viên một trang tin tức trực tuyến cho hay. Anh nói thêm nhận được nhiều yêu cầu, bằng lời nói và văn bản, không đưa tin tức liên quan tới dịch tả lợn.
4 người khác làm việc trong những cơ quan truyền thông lớn của Trung Quốc cũng xác nhận được yêu cầu không đưa tin về những vụ phát hiện lợn nhiễm dịch mới, nhưng không có văn bản chính thức.
Betsy Freese, biên tập viên ngành nông nghiệp Mỹ, hôm 13/3 viết một bài báo trên trang web Nông nghiệp Thành công với tiêu đều "Tại sao không thể tin những gì Trung Quốc nói về dịch tả lợn châu Phi", sau chuyến công tác dài một tuần tới Trung Quốc hồi đầu tháng.
Trong bài viết, Freese trích lời "một chuyên gia xuất khẩu thịt ở Trung Quốc" cho hay "có những ổ dịch được đưa tin trên toàn quốc, nhưng cũng có nhiều ca không được đưa". Virus cũng được tìm thấy trong các sản phẩm thịt lợn bán trên thị trường.
Trong họp báo ngày 1/3, Lý Kính Sinh - Cục trưởng Cục Quản lý Trị an thuộc Bộ Công an Trung Quốc, đã trao đổi với Freese và cho biết cảnh sát đã bắt 90 người liên quan tới 32 vụ án hình sự liên quan tới dịch tả lợn châu Phi và 140 tấn thịt lợn thành phẩm.
Bộ Nông nghiệp cho hay số đầu lợn ở Trung Quốc cũng đang giảm mạnh. Theo khảo sát của chính phủ trên 400 huyện cả nước, tính tới cuối tháng hai, số lợn sống giảm 16,6% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó lợn nái giảm 19,1%.
Nguồn cung thịt lợn thiếu đẩy giá thành cao hơn. Giá thịt lợn trên 16 tỉnh Trung Quốc tuần trước tăng 36,9% so với cùng kỳ năm ngoái, và tăng 13,9% so với một tuần trước nữa.