Khí tài Bắc Cực tập duyệt binh trên đường phố Moscow
Tham vọng tăng cường sức mạnh quân sự và tầm ảnh hưởng ở khu vực Bắc Cực của Nga được thể hiện rõ ràng khi nước này trình diễn nhiều hệ thống vũ khí được tối ưu cho khí hậu Bắc Cực trong các cuộc luyện tập chuẩn bị cho lễ duyệt binh Ngày chiến thắng 9/5, theo National Interest.
Đây là lần đầu tiên khí tài tối ưu hóa cho vùng Bắc Cực tham gia duyệt binh, với đặc trưng là màu sơn trắng, đen, nâu phù hợp với khả năng ngụy trang ở địa hình băng tuyết.
Các khí tài này bao gồm hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn Tor-M2DT và Pantsir-SA, xe thiết giáp chở quân BTR-82A và một số phương tiện hỗ trợ. Quân đội Nga cũng ra mắt xe tăng chiến đấu chủ lực T-72B3M, được nâng cấp đáng kể về khả năng phòng vệ và tấn công so với mẫu T-72B3 ra mắt năm 2013.
"Các vũ khí này có khả năng bảo đảm an ninh cho Nga trong khí hậu khắc nghiệt vùng Bắc Cực, với địa hình gồ ghề, không đường sá và nằm xa các cơ sở hậu cần", tướng Oleg Salyukov, tư lệnh lục quân Nga, tuyên bố.
Tor-M2DT là phiên bản Bắc Cực hóa của tổ hợp tên lửa phòng không tầm ngắn Tor-M2 có tầm bắn khoảng 13 km. Mẫu Tor-M2 nguyên gốc sử dụng khung gầm tự hành GM-5955, trong khi phiên bản Tor-M2DT được lắp trên khung gầm bánh xích hai thân DT-30PM-T1.
Quân đội Nga khẳng định việc xây dựng lực lượng ở Bắc Cực là một phần chiến lược tổng thể, tập trung vào việc tăng cường khả năng chiến đấu ở hướng chiến lược phía tây, tây bắc Nga và Bắc Cực.
Đặc điểm địa lý và kinh nghiệm phong phú cho phép Nga phát triển vũ khí chuyên biệt cho Bắc Cực. Moscow cũng không hề che giấu việc tăng cường lực lượng ở khu vực này. Họ còn tổ chức các chuyến tham quan ảo tới Trefoil, căn cứ quân sự thứ hai trong khu vực Bắc Cực.
Cơ sở này được xây dựng tại vùng Franz Josef, quần đảo Bắc Cực, chỉ có quân đội Nga đóng trú. Sau khi rời bỏ căn cứ này vào thập niên 1990, Nga đã mở lại sân bay tại đây vào năm 2012. Moscow đang xây thêm 4 căn cứ nữa tại Bắc Cực, nhằm kết nối với hai căn cứ có sẵn.
Hiện tượng tan băng diễn ra ngày càng nhanh ở Bắc Cực có thể mở ra những tuyến vận chuyển chiến lược cùng các nguồn tài nguyên khoáng sản mới, thu hút sự chú ý không chỉ của Nga mà còn Mỹ, Canada và một số quốc gia phương Tây khác.
Hải quân Mỹ đang phát triển thiết bị không người lái dưới nước để khám phá Bắc Cực. Trong khi đó, Canada muốn Mỹ, Na Uy và Đan Mạch tham gia góp vốn cho dự án vệ tinh thông tin quân sự nhằm phục vụ hoạt động tại khu vực này.
Hòa Việt