"Các máy bay đi qua khu vực Trung Đông, đặc biệt là quanh không phận Syria, đều gặp tình trạng hệ thống định vị toàn cầu (GPS) hiển thị sai vị trí hoặc ngừng hoạt động hoàn toàn", tờ Times of Israel cho biết trong bài viết hồi giữa năm ngoái.
Cơ quan Quản lý Hàng không Israel (IAA) hồi tháng 6/2019 cho biết các chuyến bay đến và đi tại sân bay quốc tế Ben Gurion, ngoại ô thủ đô Tel Aviv liên tục gặp vấn đề với hệ thống GPS trong ba tuần liền, buộc các phi công phải sử dụng hệ thống dẫn đường đời cũ.
Truyền thông Israel cáo buộc quân đội Nga đứng sau sự việc này, cho rằng các hệ thống tác chiến điện tử được triển khai tại căn cứ không quân Hmeymim ở Syria cách đó 350 km là thủ phạm.
Đại sứ Nga tại Israel Anatoly Viktorov gọi những cáo buộc này là "tin giả" và "không thể phản hồi một cách nghiêm túc". Quân đội Israel cũng từ chối bình luận về nguyên nhân hệ thống GPS bị tê liệt, khẳng định hoạt động của lực lượng này không bị ảnh hưởng.
Giới chuyên gia quân sự cho rằng tình trạng gián đoạn GPS tại Israel không phải là hành động cố tình của Nga, nhưng phần nào cho thấy mức độ ảnh hưởng của hoạt động gây nhiễu do quân đội Nga tiến hành.
"Nó dường như không nhắm riêng vào Israel, nước này chỉ đang hứng chịu thiệt hại ngoài ý muốn khi quân đội Nga bảo vệ binh sĩ và thể hiện sự thống trị trong lĩnh vực tác chiến điện tử", giáo sư Todd Hymphreys tại đại học Texas, Mỹ nêu quan điểm.
Lầu Năm Góc triển khai tiêm kích F-22, F-35 đến Qatar và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) từ đầu năm 2019 nhằm đối phó với các động thái quân sự của Iran. "Hoạt động gây nhiễu này cũng có thể ngăn cản Washington thu thập tin tức tình báo và trinh sát nhằm đối phó với các đòn tấn công tiềm tàng từ Tehran", chuyên gia quân sự David Axe cảnh báo.
"Moskva đang tìm cách cản trở máy bay quân sự phương Tây, gồm cả chiến đấu cơ tàng hình F-22 và siêu tiêm kích F-35, cũng như vô hiệu hóa phi cơ không người lái (UAV) tự chế của phiến quân Syria", cây bút Arie Egozi viết trên trang tin quân sự Breaking Defense.
Các hệ thống GPS mặt đất vẫn hoạt động bình thường trong giai đoạn này, chỉ có thiết bị trên phi cơ bị ảnh hưởng. "Mục tiêu gây nhiễu rất cụ thể, cho thấy đây không phải sự cố kỹ thuật của phần cứng trên máy bay mà là hậu quả của vũ khí điện tử. Nga đã đầu tư rất mạnh vào những hệ thống có thể phát tín hiệu GPS mạnh gấp 500 lần vệ tinh thật, khiến các thiết bị sai lệch tới hàng km", Egozi cho biết thêm.
Nga đang triển khai nhiều tổ hợp tác chiến điện tử ở Syria, trong đó nổi bật là Krasukha-4. Hệ thống này có tầm hoạt động tới 300 km, tích hợp những công nghệ tác chiến điện tử tốt nhất của Nga, đặc biệt là ăng ten độc đáo phát triển từ đài gây nhiễu SPN-30.
Nó có khả năng vận hành hoàn toàn tự động, kíp điều khiển chỉ cần theo dõi thiết bị mà không phải thao tác trực tiếp. Máy gây nhiễu chủ động của Krasukha-4 có thể cắt liên lạc hoặc chiếm quyền điều khiển UAV đối phương từ khoảng cách xa, trước khi chúng kịp đe dọa mục tiêu.
Krasukha-4 được thiết kế để bảo vệ sở chỉ huy, điểm tập kết binh sĩ, hệ thống phòng không, cơ sở quân sự, công nghiệp quan trọng trước hệ thống trinh sát đường không và vũ khí chính xác của đối phương. Máy gây nhiễu chủ động của Krasukha-4 có thể "làm mù" những tổ hợp cảm biến điện tử tối tân của Mỹ và NATO, gồm radar mặt đất cùng máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không.
Tầm hoạt động lớn cho phép Krasukha-4 gây gián đoạn tín hiệu của vệ tinh trên quỹ đạo, cũng như gây hư hại nhiều thiết bị vô tuyến điện tử của đối phương.
Đây không phải lần đầu tiên Moskva bị cáo buộc làm gián đoạn tín hiệu GPS. Na Uy và Phần Lan hồi năm 2018 cũng cáo buộc Nga gây tê liệt hệ thống GPS trong thời gian diễn ra cuộc tập trận Trident Juncture của NATO ở Bắc Âu. Moskva phủ nhận, cho rằng đó là những cáo buộc vô căn cứ.
Vũ Anh (Theo National Interest)