"Các vụ sao chép trái phép khí tài ở nước ngoài là vấn đề rất lớn. Đã có 500 vụ như vậy trong 17 năm qua. Riêng Trung Quốc đã sao chép động cơ máy bay, chiến đấu cơ Sukhoi, tiêm kích hạm, các hệ thống phòng không tầm trung tự hành và tên lửa vác vai", Yevgeny Livadny, giám đốc phụ trách sở hữu trí tuệ của tập đoàn quốc phòng Nga Rostec, hôm qua cho biết.
Ông khẳng định các chuyên gia quân sự Nga thường phát hiện những vụ sao chép trái phép, nhưng không thể đưa ra trước tòa vì các tập đoàn nước này không đăng ký bản quyền công nghệ quốc phòng ngoài lãnh thổ Nga.
"Những tập đoàn như Raytheon và BAE Systems nắm hơn 5.000 giấy phép sáng chế ở nước ngoài. Họ công khai tài sản sở hữu trí tuệ vì không gặp mối đe dọa nào. Trong khi đó, quân đội và các tập đoàn công nghiệp quốc phòng Nga chưa bao giờ đăng ký bản quyền ở nước ngoài", Livadny nói thêm.
Tụt hậu của nền công nghiệp quốc phòng so với phương Tây và Liên Xô thúc đẩy Trung Quốc kết hợp chuyển giao công nghệ hợp pháp và hoạt động tình báo, sao chép công nghệ của những nước khác để phát triển vũ khí nội địa.
Trong thập niên 1990, Moskva và Bắc Kinh đã ký nhiều thương vụ vũ khí lớn, điển hình là hợp đồng bán, cấp phép và chuyển giao công nghệ sản xuất tiêm kích hạng nặng Su-27 và hệ thống phòng không tầm xa S-300PMU-1. Thỏa thuận này giúp Trung Quốc nắm công nghệ để sản xuất thành công chiến đấu cơ J-11 và tổ hợp phòng không HQ-9.
Hành động vi phạm hợp đồng và sao chép công nghệ đã ảnh hưởng tới quan hệ Nga - Trung, khiến Moskva thận trọng hơn khi chuyển giao các vũ khí hiện đại cho Bắc Kinh.
Trung tướng Yevgeny P. Buzhinsky, phó chủ tịch Trung tâm nghiên cứu chính sách Nga (PIRC), hồi năm 2016 cho biết Nga sẽ thực hiện mọi biện pháp để ngăn chặn công nghệ tiêm kích hiện đại của mình rơi vào tay Trung Quốc. Ông khẳng định chiến đấu cơ đa năng Su-35S bán cho Bắc Kinh khác xa phiên bản nội địa biên chế cho không quân Nga.
Truyền thông Trung Quốc năm 2017 thừa nhận những máy bay Su-35S được trang bị công nghệ chống sao chép đặc biệt. Theo đó, các động cơ đều được phủ vật liệu chặn tia X-quang và các phương pháp soi chiếu khác. Hệ thống động cơ cũng được "hàn chết", khiến chuyên gia Trung Quốc phải phá hủy toàn toàn bộ động cơ nếu muốn tiếp cận phần lõi bên trong.
Vũ Anh (Theo TASS)