Vào ngày 3/3 vừa qua, 7 chiếc máy bay chiến đấu của Nga cất cánh từ căn cứ không quân Novofederovka đặt tại Crimea. Những phi cơ này bay qua Biển Đen và hướng thẳng tới khu vực tàu chiến của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), hạm đội tàu mang tên lửa dẫn đường của Mỹ Vicksburg và tàu khu trục loại nhỏ của Thổ Nhĩ Kỳ Tugutreis.
Một hãng tin của chính phủ Nga mô tả hoạt động này là một cuộc diễn tập do thám. Các máy bay diễn tập theo dõi chiến hạm từ xa trong khi ở ngoài tầm có thể bị bắn trả.
Các chuyến bay tác chiến như vậy trở nên thường xuyên hơn kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine nổ ra. Phi cơ Nga tiếp cận các hạm đội hoặc vùng không phận của NATO và diễn tập tăng cường chiến đấu hoặc thăm dò. Số lượng của các chiến đấu cơ và máy bay ném bom của Nga gần biên giới NATO tăng gấp 3 lần trong một năm cho dù con số này vẫn thấp hơn số máy bay chiến đấu tuần tra trung bình trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Sức mạnh của lực lượng không quân Nga là điều không phải bàn cãi. Nga có lực lượng máy bay chiến đấu lớn thứ hai thế giới với khoảng 2.500 chiến đấu cơ, trong đó có tới 70% còn sử dụng tốt.
Không giống như hải quân Nga, bị cắt giảm xuống thành lực lượng chỉ bảo vệ bờ biển trong nước, lực lượng không quân vẫn đầy khả năng và mạnh mẽ ở chuẩn quốc tế. Họ có lực lượng máy bay ném bom chiến lược lớn thứ hai thế giới, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân đi xa căn cứ hàng ngàn km.
Nhưng không quân Nga cũng gặp phải nhiều vấn đề giống như những lĩnh vực quân sự khác của Kremlin. Ngoại trừ một số chủng loại thì hạm đội bay của họ có từ thời Chiến tranh Lạnh và đang trở nên già cỗi. Các chiến đấu cơ đời mới và tốt đang được sử dụng nhưng chỉ là thiểu số. Về lâu dài số lượng máy bay chiến đấu của Nga sẽ giảm đáng kể.
Gốc rễ của vấn đề bắt nguồn từ sự tan rã của Liên bang Xô Viết năm 1991. Các nhà máy sản xuất máy bay và linh kiện bị đóng cửa hoặc trở thành sở hữu của người nước ngoài, mà phần lớn là người Ukraine. Các chuyên gia có kinh nghiệm chế tạo máy bay đã di cư ra nước ngoài hoặc nghỉ hưu. Moscow phải tạm ngừng sản xuất để mua máy bay mới và phải dừng phần lớn các khóa đào tạo. Cho tới tận năm 2003, họ không mua mới bất kỳ một chiếc chiến đấu cơ nào.
Nga có nhiều mục tiêu phải thực hiện. Kremlin hiện coi việc hiện đại hóa lực lượng không quân là ưu tiên hàng đầu. Việc này không chỉ đòi hỏi có những máy bay chiến đấu mới và hiện đại mà còn phải cả nâng cấp những cái đang có. Trong năm 2014, Nga đã chi hơn một tỉ USD cho các hệ thống chiến tranh điện tử và không chiến mới hơn, giúp máy bay Nga phát hiện radar và máy bay đối phương hiệu quả hơn.
Theo trang blog “Đổi mới quân sự Nga” của nhà nghiên cứu khoa học Dmitry Gorenberg, tổng cộng Nga lên kế hoạch chi khoảng 130 tỉ USD để hiện đại hóa lực lượng không quân trong 10 năm tới.
Chương trình vũ khí của chính phủ Nga bắt đầu tiến hành các chính sách mua sắm trang thiết bị cho đến năm 2020, chú trọng nhiều hơn vào sản phẩm nội địa. “Một bước tiếp cận như vậy không thể không gặp phải những khó khăn nội tại”, theo báo cáo của OE Watch, tờ thông tin hàng tháng của Văn phòng nghiên cứu quân sự nước ngoài thuộc quân đội Mỹ. “Điều này Kremlin không đưa ra bàn luận công khai”, báo cáo cho biết thêm.
Những khiếm khuyết
Nền công nghiệp của Nga tồn tại những khiếm khuyết nghiêm trọng khi xây dựng các hệ thống vi điện tử. Những bộ phận này ít hấp dẫn hơn là làm khung vỏ máy bay hoặc tên lửa - những thứ mà Nga có thể làm rất tốt - nhưng lại rất thiết yếu đối với một chiến đấu cơ hiện đại. Công nghệ này đem lại những lợi thế đáng gờm như chức năng nhìn xuyên đêm và hệ thống ảnh nhiệt.
Đối với Moscow, xây dựng một nền công nghiệp hàng không nội địa không chỉ nhằm tạo công ăn việc làm, mà là nhiệm vụ tối cần thiết. Trước khi khủng hoảng Ukraine nổ ra, một lượng lớn thiết bị phần cứng dành cho quân sự của Nga là từ Ukraine.
Cụ thể, Ukroboronprom, một công ty về quân sự của chính phủ Ukraine, đã sản xuất rất nhiều động cơ máy bay lên thẳng của Nga cho đến khi công ty này cắt đứt mối quan hệ đối tác vào năm ngoái. Theo Royal United Services Institute, một cơ quan nghiên cứu quốc phòng của Anh, Nga không thể tự sản xuất đủ động cơ để hiện đại hóa đội trực thăng của mình nên phần lớn động cơ được sản xuất tại Ukraine.
Nga và Ukraine cùng hợp tác sản xuất máy bay vận tại hạng nặng An-124 mà hơn nửa các bộ phận máy móc của nó được chế tạo tại các nhà máy ở Ukraine, mặc dù vận tải quân sự của Nga có tuổi thọ thiết bị đáng kể. Một trong những nhà máy thiết bị hàng không lớn nhất Ukraine trước đây thường cung cấp hàng cho Nga đặt tại Zaporizhia, gần với lãnh thổ do phe ly khai thân Nga kiểm soát.
“Rất nhiều hệ thống phụ trợ, từ máy thủy lực đến dù làm ổn định cho các máy bay chiến đấu Su-27, Su-30 và Su-35 của Nga, kể cả loại mới nhất là Su-34 cũng đều được sản suất tại Ukraine”, cơ quan nghiên cứu của Anh cũng cho biết thêm.
Bốn loại chiến đấu cơ trên là những loại mới nhất của Nga. Chúng cơ bản tương tự như nhau, ngoại trừ có một số những nâng cấp nhỏ về động cơ và phần điện tử. Dù Nga cũng có hai nhà máy là Irkut và KnAAPA sản xuất khung máy bay nhưng lại khá cồng kềnh và thiếu hiệu quả.
Niềm hy vọng T-50
Một bước tiến công nghệ của Nga, máy bay tàng hình T-50 thế hệ thứ 5 vẫn đang trong giai đoạn phát triển, cũng có nhiều vấn đề. Dù vấn đề đối với loại máy bay là địch thủ tiềm tàng của chiếc Raptor tàng hình F-22 của Mỹ này không được Kremlin tiết lộ, nhưng một vài thông tin đưa ra nói lên đôi điều. Ví dụ, Nga và Ấn Độ cùng hợp tác phát triển một phiên bản máy bay cho không quân Ấn Độ, với các chi tiết chung của phiên bản này rất giống với chiếc T-50, và người Ấn không thích điều đó.
Nhiều tướng Ấn Độ cho rằng T-50 vẫn quá đắt và có nhiều phần kém chất lượng. “Động cơ của máy bay không đáng tin cậy, radar không đủ, chức năng tàng hình kém”, Business Standard của Ấn Độ, dẫn những lưu ý trong một cuộc họp của giới chức không quân nước này năm 2013, cho biết.
Tờ báo không cho biết thêm chi tiết, nhưng việc đề cập đến chức năng tàng hình kém cũng đồng nghĩa với việc các phần khung của máy bay được phát triển chưa tốt. Nga đã sản xuất 5 mẫu T-50, với sự khác biệt đôi chút về cấu trúc, như các góc không đối xứng ở phần thân, có thể khiến nó dễ bị radar phát hiện. Máy bay cũng có động cơ tròn, lớn, đặc điểm không tốt với tàng hình.
Nhưng dù sao T-50 vẫn là chiến đấu cơ tầm xa nhanh, mạnh mẽ và Kremlin muốn trang bị cho nó tên lửa tầm xa hiện đại Kh-58UshE. Chiến đấu cơ tàng hình F-22 và F-35 chậm hơn T-50 khá nhiều trong khi tên lửa của chúng cũng có tầm ngắn hơn.
Air Power Australia, một cơ quan nghiên cứu hàng không, mô tả T-50 có khả năng trở thành đối trọng với chiến đấu cơ thế hệ mới nhất của Mỹ F-35.
Moscow muốn có 60 chiếc hoạt động được cho tới năm 2020. Chiến đấu cơ đầu tiên được triển khai dự kiến được trình làng vào năm ngoái. Nhưng điều đó đã không xảy ra. Giờ đây, hạn sớm nhất cũng phải đến năm 2016.
60 chiến đấu cơ tàng hình tiên tiến nghe có vẻ ghê gớm. Nhưng Mỹ dự định phát triển tới 2.400 chiếc F-35 trong vòng 2 thập niên tới và họ đã bắt đầu chuyển giao chúng. Ngoài ra, 187 chiếc F-22 đã được triển khai trong Không quân Mỹ.
Điều này có nghĩa đội máy bay tiên tiến nhất của Nga còn thiếu hụt về số lượng. Trong khi đó, những máy bay còn lại trong phi đội của Kremlin lại không thể ngăn được “tuổi già” ập đến.
Minh Châu (Theo Reuters)