"Chúng tôi từng nhiều lần khẳng định NATO là công cụ hướng tới đối đầu và việc mở rộng liên minh này sẽ không mang đến ổn định cho lục địa châu Âu", phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết hôm nay khi được hỏi về khả năng Thụy Điển và Phần Lan, hai quốc gia trung lập, gia nhập NATO.
Phát biểu được đưa ra sau khi tờ Times của Anh dẫn lời quan chức Mỹ giấu tên cho biết Phần Lan có thể xin gia nhập NATO vào tháng 6, sau đó là Thụy Điển.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuần trước cho biết liên minh sẽ hoan nghênh Phần Lan và Thụy Điển nếu họ quyết định xin gia nhập. Ông khẳng định NATO sẵn sàng cung cấp đảm bảo an ninh cho hai nước từ lúc họ công bố quyết định gia nhập NATO đến khi đơn đăng ký được chấp thuận. Tuy nhiên, Tổng thư ký Stoltenberg từ chối nêu chi tiết những đảm bảo an ninh khối này có thể cung cấp.
Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin hồi đầu tháng nói rằng nước này cần quyết định kế hoạch tham gia NATO "một cách triệt để nhưng nhanh chóng", trong khi Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson cuối tháng 3 khẳng định "không loại trừ khả năng trở thành thành viên NATO".
Trước khi phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, Tổng thống Vladimir Putin yêu cầu NATO ngừng mở rộng và rút quân khỏi khu vực gần biên giới Nga. Viễn cảnh các nước láng giềng Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO được nhận định sẽ khiến Nga phật lòng.
Phần Lan có đường biên giới dài hơn 1.300 km với Nga. Họ trở thành nước trung lập thông qua hiệp ước hữu nghị với Liên Xô năm 1948, với kỳ vọng ngăn tái diễn cuộc chiến Phần Lan - Liên Xô năm 1939 từng khiến hơn 80.000 quân nhân nước này thiệt mạng.
Xuyên suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh, quốc gia Bắc Âu duy trì tôn chỉ không liên kết, bất chấp sức ảnh hưởng từ cả hai khối do Liên Xô và Mỹ dẫn đầu. Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, Phần Lan dần chuyển trọng tâm đối ngoại sang phương Tây, đánh dấu với quyết định gia nhập EU năm 1995.
Thụy Điển cũng chọn hướng đi tương tự sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, gia nhập EU vào năm 1995 và tăng cường hợp tác với NATO, nhưng không trở thành thành viên chính thức của khối này.
Thụy Điển đã tránh tham gia bất kỳ liên minh quân sự nào trong hơn 200 năm qua. Trước khi chiến sự tại Ukraine bùng phát, lần gần nhất Thụy Điển gửi viện trợ vũ khí ra nước ngoài là trong cuộc chiến Phần Lan - Liên Xô năm 1939.
Vũ Anh (Theo RT)