Trong cuộc họp báo ngày 27/4, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết các nước thành viên NATO "đã huấn luyện và trang bị cho khoảng 9 lữ đoàn tăng thiết giáp mới của Ukraine". "Điều này sẽ giúp Ukraine có thế mạnh để tiếp tục giành lại các khu vực mà Nga đang kiểm soát", ông Stoltenberg tuyên bố.
"Chúng tôi đã chuyển giao cho Ukraine hơn 98% số phương tiện đã cam kết, trong đó có hơn 1.550 thiết giáp, 230 xe tăng và các thiết bị khác cùng lượng lớn đạn dược", Tổng thư ký Stoltenberg khẳng định.
Trước đó, đại tướng Christopher Cavoli, chỉ huy Bộ Tư lệnh Lực lượng Mỹ tại châu Âu (EUCOM) ngày 26/4 cũng cho biết phương Tây đã bàn giao hơn 98% xe tăng và thiết giáp cho Ukraine theo cam kết.
Tuy nhiên, cố vấn Tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak phủ nhận thông tin, cho rằng "98% là con số quá lớn". Ông Podolyak cho biết Ukraine thiếu đạn, đặc biệt dành cho các loại pháo cỡ nòng lớn, đồng thời kêu gọi phương Tây chuyển thêm vũ khí và trang bị.
Theo ông Podolyak, tốc độ cung cấp vũ khí hiện tại cho phép quân đội Ukraine thực hiện một số chiến dịch nhất định ở tiền tuyến. "Ukraine không bao giờ có đủ vũ khí và trang thiết bị khi đối mặt với đối thủ như Nga", ông Podolyak nói.
Hàng chục quốc gia phương Tây đã cung cấp vũ khí hoặc cam kết viện trợ quân sự gần 60 tỷ USD cho Ukraine, trong đó Mỹ dẫn đầu với loạt gói hỗ trợ tổng trị giá hơn 35,4 tỷ USD. Ukraine gần đây tiếp nhận xe tăng chủ lực Challenger 2 của Anh và Leopard 2 do Đức chế tạo.
Michael Kofman, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Hải quân có trụ sở tại Mỹ, nhận định phương Tây đã cố gắng vượt qua thách thức hậu cần để đưa số vũ khí nói trên cùng đạn dược tới Ukraine. Tuy nhiên, chuyển số vũ khí và đạn dược này cho các đơn vị Ukraine trên tiền tuyến là vấn đề hoàn toàn khác.
Nguyễn Tiến (Theo Reuters, AFP)