Tại Italy, đất nước đã phải đối phó với các băng đảng mafia trong nhiều thập kỷ, một nhóm tội phạm nước ngoài đang khuếch trương thanh thế. Các thành viên của nhóm là người Nigeria, kiểm soát địa bàn từ miền bắc Italy ở Turin đến miền nam ở Palermo, Sicily, buôn lậu ma túy và ép buộc phụ nữ làm gái mại dâm trên đường phố. Họ tuyển mộ thành viên mới từ người di cư tại những trung tâm tị nạn do chính phủ Italy điều hành.
Các nhà điều tra và quan chức tư pháp nói rằng mafia Nigeria đã lợi dụng làn sóng di cư nửa thập kỷ qua để gây dựng thế lực. Không có ước tính cụ thể có bao nhiêu thành viên mafia Nigeria hoạt động ở Italy, nhưng các cuộc phỏng vấn với thám tử, công tố viên, nhân viên cứu trợ và nạn nhân buôn người cho thấy mafia Nigeria đã biến Italy thành điểm nóng để buôn cocaine từ Nam Mỹ, heroin từ châu Á và buôn bán phụ nữ.
Các điều tra viên Italy nói rằng nhóm tội phạm Nigeria đáng được gọi là mafia thay vì băng đảng tội phạm thông thường, bởi chúng có nội quy chặt chẽ và sử dụng "thanh thế" của mình để đe dọa hay "bịt miệng" người khác. Các thành viên của nhóm Nigeria đã bị kết án với các tội danh liên quan đến mafia mà Italy đã đặt ra từ nhiều thập kỷ trước trong cuộc chiến chống mafia bản địa.
Mặc dù ít được biết đến hơn các nhóm tội phạm có tổ chức từ Nhật Bản, Nga và Trung Quốc, nhóm Nigeria đã trở thành băng đảng có "cấu trúc tốt và hoạt động mạnh nhất" trong số các tổ chức tội phạm nước ngoài hoạt động ở Italy, theo cơ quan tình báo nước này.
Mafia Nigeria bắt đầu hiện diện ở châu Âu từ những năm 1980. Trong những năm gần đây, chúng không chỉ mở rộng địa bàn mà còn tiến vào Sicily, nơi không tổ chức tội phạm nước ngoài nào dám bén mảng.
Trong phần lớn thế kỷ qua, Sicily nằm dưới sự thao túng của Cosa Nostra, nhóm mafia chuyên lừa đảo, tổ chức cờ bạc, giết chóc và thường không chia sẻ địa bàn với bất kỳ ai.
"Vào những năm 1980, 1990, điều này sẽ không bao giờ xảy ra. Không bao giờ", Giuseppe Governale, người đứng đầu cơ quan chống mafia trung ương của Italy, nói về việc Cosa Nostra chấp nhận chia sẻ địa bàn với tổ chức khác.
Sicily giờ đây rất khác, nhiều thủ lĩnh Cosa Nostra đã bị cầm tù. Khi nhóm này hoạt động kín tiếng hơn, ít bạo lực hơn và trong thập kỷ qua, một làn sóng mới đã xuất hiện - hàng trăm nghìn người châu Phi đến Sicily - nơi trở thành "bến đỗ" cho di dân trước khi Phó thủ tướng, Bộ trưởng Nội vụ Italy Matteo Salvini ra lệnh đóng cửa các cảng với người nhập cư vào năm ngoái. Nhiều di dân đã rời Sicily để đến các vùng khác của Italy và châu Âu, nhưng một số người ở lại.
Các nhà điều tra cho biết họ lần đầu tiên phát hiện sự hiện diện của mafia Nigeria tại Italy vào năm 2013 với sự gia tăng các vụ bạo lực. Hai năm sau, có bằng chứng cho thấy nhóm này hợp tác buôn bán ma túy với mafia bản địa ở Sicily: Một cuộc trò chuyện bị nghe lén cho thấy hai thành viên cao cấp của Cosa Nostra mô tả nhóm Nigeria là "những gã trẻ tuổi cứng cỏi" nguy hiểm nhưng "biết thân biết phận".
Mặc dù có chung địa bàn, hai nhóm này đã sống chung trong hòa bình. Giới chức cho rằng nguyên nhân có thể là mafia Nigeria hoạt động chủ yếu ở mảng Cosa Nostra không quan tâm: mại dâm.
Khoảng 20.000 cô gái Nigeria, bao gồm cả trẻ vị thành niên, đã đến Sicily năm 2016 - 2018 theo sự dàn xếp của những tay buôn người.
"Hàng trăm phụ nữ đến cảng ở Italy mỗi ngày", Sergio Cipolla, chủ tịch Cooperazione Internazionale Sud Sud, tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Palermo mô tả về thời kỳ đó. "Họ được đưa đến các trung tâm tiếp nhận của chính phủ nhưng họ không bắt buộc phải ở lại đó. Họ sẽ rời đi và biến mất".
Những phụ nữ này đã trả 20.000 hoặc 30.000 EUR cho những kẻ buôn người hứa hẹn rằng họ sẽ có việc làm ở châu Âu. Trước khi rời Nigeria, hầu hết cô gái đều thề sẽ trả món nợ đó trong một nghi thức tà thuật. Nhưng khi đến Italy, họ "vỡ mộng" khi phát hiện ra không có nghề chăm sóc trẻ em hoặc tạo mẫu tóc nào đang chờ đợi họ như hứa hẹn.
Một cô gái 23 tuổi đến từ Benin, Nigeria kể rằng sau khi đến Italy, cô được trao một chiếc váy ngắn và một gói bao cao su để "đi làm". Vài tháng sau, cô cố tự sát bằng cách nuốt thuốc tẩy.
"Tôi tin vào lời thề", cô nói. "Nếu bạn không trả được nợ, bạn phải chết".
Vì những lời thề đó, rất hiếm phụ nữ đến trình báo cảnh sát. Nhưng khi họ làm vậy, các nhà điều tra sẽ có manh mối quan trọng để triệt phá mafia. Năm 2017, một cô gái Nigeria đến khai báo với Francesco Del Grosso, người đứng đầu bộ phận tội phạm nước ngoài tại đơn vị cảnh sát quốc gia ở Palermo.
Cô kể rằng mình bị ép buộc hành nghề mại dâm và từng mang thai. Cô đang được một nhóm từ thiện giúp đỡ nhưng có người đang truy lùng cô.
Người phụ nữ mô tả chi tiết về những gã mafia cô đã thấy: những cái bắt tay theo nghi thức, trang phục màu xanh và vàng. Đó là Eiye, một trong những nhóm mafia Nigeria lớn ở Italy. Del Grosso cho cô gái nhận diện một số người mà giới chức đã nghi ngờ và mở một cuộc điều tra.
19 tháng sau, 14 thành viên của Eiye bị bắt vì các cáo buộc về mafia và ma túy, bao gồm thủ lĩnh nhóm Eiye ở Sicily, Osabuohien Ehigiator. Del Grosso cho biết tất cả 14 người này đã đến Italy bằng tàu trong vài năm qua.
Ngay sau khi tin tức được công bố, Phó thủ tướng Italy Salvini gửi lời cảm ơn tới các nhà điều tra. "Thêm một cú giáng vào băng nhóm Nigeria", ông nói.
Khi chính trị Italy đang nghiêng về cánh hữu, vấn đề mafia "nhập cư" khiến nước này đối mặt với câu hỏi gây tranh cãi: Những lo ngại về di dân có phải đã trở thành hiện thực?
Đối với các lãnh đạo Italy có quan điểm cứng rắn về vấn đề nhập cư, mafia Nigeria giúp họ có lý do để "hợp lý hóa" quyết định cấm cửa di dân được đưa ra vào năm ngoái. Matteo Salvini nhiều lần đăng thông tin về tội trạng của mafia Nigeria trên Twitter. Ông nhấn mạnh rằng chúng "đặt ra mối đe dọa ngày càng tăng và phải bị diệt trừ ngay lập tức".
Trong khi đó, những người ủng hộ mở cửa với di dân cho rằng mafia Nigeria chỉ là vấn đề bị lợi dụng để thúc đẩy tâm lý ghét bỏ người di cư nói chung. Trong bài phát biểu hồi tháng 4, Giáo hoàng Francis nói rằng ở đâu cũng có những kẻ phạm pháp và mafia "vốn được sinh ra tại Italy". "Người Nigeria không 'phát minh' ra mafia", ông nói.
Một buổi trưa vào tháng trước, Del Grosso và cấp dưới đi qua "hang ổ" của mafia Nigeria ở Palermo, khu phố với những tòa nhà đổ nát, những con hẻm chật chội và nhiều hàng rong.
Del Grosso chỉ vào những nơi anh từng bắt các phần tử mafia và hàng chục nhà thổ chui ở các tầng trên. Cấp dưới của anh cũng chỉ ra một tòa nhà từng được sử dụng như một ổ ma túy.
"Đối với Italy, đây là hiện tượng tội phạm mới", Del Delso cho hay. "Nhưng theo quan điểm của tôi, nó không thay đổi gì cả. Họ là tội phạm".
Anh cho rằng tội phạm vốn luôn di chuyển từ quốc gia này sang quốc gia khác. "Khi người Italy sang Mỹ, họ cũng mang đến những tội ác", Del Delso nói.
Phương Vũ (Theo Washington Post)