"Vẫn có khả năng để Thổ Nhĩ Kỳ trở lại bàn đối thoại. Ankara hiểu rằng họ phải phá hủy, gửi trả hoặc tìm cách từ bỏ hệ thống phòng không S-400 để điều này diễn ra", một quan chức giấu tên trong Bộ Ngoại giao Mỹ hôm qua cho biết.
Quan chức này khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ vẫn có nguy cơ chịu trừng phạt theo Đạo luật Chống đối thủ của Mỹ Thông qua Lệnh Cấm vận (CAATSA), kêu gọi Ankara từ bỏ tên lửa S-400 để hàn gắn quan hệ với Washington.
"Thời gian biểu áp đặt CAATSA là không cố định", quan chức này cho hay, nói thêm rằng Mỹ từng mất tới 9 tháng để thực thi lệnh cấm vận nhằm vào Trung Quốc sau khi nước này nhận bàn giao các tiêm kích đa năng Su-35S do Nga sản xuất.
Thổ Nhĩ Kỳ và Nga ký thỏa thuận mua tên lửa S-400 trị giá 2,5 tỷ USD vào tháng 12/2017. Mỹ nhiều lần phản đối hợp đồng này, cho rằng S-400 không tương thích với các hệ thống phòng thủ của NATO và đe dọa tới tiêm kích tàng hình F-35.
Nga đã bàn giao cho Thổ Nhĩ Kỳ hai hệ thống S-400 hoàn chỉnh, trong đó tổ hợp đầu tiên được chuyển tới căn cứ Murted. Giới chuyên gia nhận định Thổ Nhĩ Kỳ có thể triển khai một hệ thống ở phía nam để kiểm soát một phần Địa Trung Hải.
Washington đã gạt Ankara khỏi chương trình siêu tiêm kích F-35, từ chối bàn giao 105 máy bay F-35A nước này đã đặt mua và loại bỏ các tập đoàn quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ khỏi dây chuyền sản xuất dòng tiêm kích tàng hình thế hệ 5 để đáp trả.
Trong cuộc gặp ở Washington tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ rằng Ankara cần từ bỏ S-400 và Mỹ sẵn sàng bán cho Thổ Nhĩ Kỳ các hệ thống Patriot để thay thế.
Tuy nhiên, sau khi trở về Ankara, Erdogant cho hay ông đã nói với Trump rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không từ bỏ tên lửa S-400, bởi Ankara và Moskva có mối quan hệ rất mạnh mẽ.
Vũ Anh (Theo Reuters)