Cuộc đàm phán được nối lại từ sáng 18/11 để thu hẹp bất đồng về khoản đóng góp của Seoul nhằm duy trì sự hiện diện của 28.500 lính Mỹ tại Hàn Quốc, đối phó với những mối đe dọa từ Triều Tiên.
"Tôi tự tin rằng chúng tôi sẽ đạt thỏa thuận mà hai bên cùng chấp nhận và ủng hộ, nó sẽ tăng cường quan hệ đồng minh tuyệt vời giữa hai nước", cố vấn Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách đàm phán an ninh James DeHart, trưởng đoàn đàm phán Mỹ, cho biết.
Phái đoàn Hàn Quốc được dẫn đầu bởi Jeong Eun-bo, cựu phó chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Tài chính và cựu Thứ trưởng Tài chính Hàn Quốc. Ông là quan chức dân sự đầu tiên được Seoul bổ nhiệm cho các cuộc đàm phán chia sẻ kinh phí quân sự với Washington trong gần 30 năm qua.
Truyền thông Hàn Quốc tuần trước cho biết cố vấn James DeHart đã yêu cầu Hàn Quốc chi 4,7 tỷ USD để duy trì binh sĩ và vũ khí Mỹ đồn trú tại nước này, tăng gần 5 lần so với con số 1 tỷ USD những năm trước. Đề xuất đã vấp phải sự phản đối từ phía Hàn Quốc.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper hôm 15/11 cho rằng Hàn Quốc là đất nước giàu có và "nên chi trả nhiều hơn" cho việc triển khai lính Mỹ.
Mỹ đang duy trì khoảng 28.500 binh sĩ đồn trú và nhiều khí tài hiện đại tại Hàn Quốc nhằm đảm bảo an ninh cho nước này. Từ tháng 3/2018, hai nước đã tiến hành 10 vòng đàm phán về chia sẻ chi phí quân sự trong bối cảnh Tổng thống Trump liên tục kêu gọi Hàn Quốc tăng đóng góp tài chính cho lực lượng đồn trú Mỹ.
Khoảng 70% đóng góp của Seoul hiện nay dùng để trả lương cho 8.700 nhân viên Hàn Quốc làm việc trong các lĩnh vực hành chính, kỹ thuật và dịch vụ khác cho quân đội Mỹ. Cuối năm 2018, quân đội Mỹ cảnh báo sẽ buộc các nhân viên người Hàn Quốc này nghỉ không lương nếu hai bên không đạt thỏa thuận về "phí bảo vệ" mới.
Vũ Anh (Theo Reuters)