"Tôi tin là như vậy", tướng Mark Milley, tham mưu trưởng lục quân Mỹ, ngày 11/7 tuyên bố khi trả lời câu hỏi của các thành viên Ủy ban Quân vụ Thượng viện về việc các tên lửa tầm trung phóng từ mặt đất có thể ngăn chặn sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hay không.
Trong phiên điều trần, tướng Milley còn khẳng định Trung Quốc là "đối thủ chính" của quân đội Mỹ trong 50-100 năm tới, nhưng không coi nước này là "kẻ thù".
Phát biểu của tướng Milley, người được Tổng thống Donald Trump đề cử làm Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, làm dấy lên đồn đoán rằng Mỹ có thể triển khai tên lửa tầm trung ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương để đối phó Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Milley không tiết lộ thời gian và địa điểm cụ thể mà quân đội Mỹ triển khai loại tên lửa này.
Mỹ và các đồng minh hiện ngày càng lo ngại về việc Trung Quốc, nước không tham gia Hiệp ước các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF), đang đạt được ưu thế lớn về quân sự tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhờ việc phát triển các tên lửa có tầm bắt vượt ra ngoài giới hạn của hiệp ước.
Một báo cáo của Reuters công bố hồi cuối tháng 4 cho biết trong khi các tên lửa Mỹ và Nga bị ràng buộc bởi tầm bắn tối đa 5.500 km quy định trong INF, Trung Quốc được tự do phát triển lực lượng tên lửa lên mức có thể sánh ngang hoặc thậm chí vượt Mỹ.
Trung Quốc đang sở hữu mẫu tên lửa đạn đạo diệt hạm DF-26 có khả năng tấn công tàu sân bay Mỹ đang hoạt động ngoài khơi hoặc neo đậu tại các căn cứ ở Nhật Bản, thậm chí là tại đảo Guam ở Thái Bình Dương.
Mỹ gần đây quyết định rút khỏi hiệp ước INF với Nga. Giới quan sát cho rằng chính quyền Tổng thống Donald Trump từ bỏ hiệp ước này vì muốn có một thỏa thuận mang tính ràng buộc hơn với chương trình tên lửa của Trung Quốc.
Nguyễn Hoàng (Theo Maichini)