"Liệu chúng ta có muốn Bắc Băng Dương biến thành Biển Đông thứ hai, với đầy những hoạt động quân sự hóa và tuyên bố chủ quyền hay không", Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 6/5 phát biểu trước thềm cuộc họp của 8 quốc gia thành viên Hội đồng Bắc Cực. "Cách hành xử quyết liệt của Trung Quốc ở các khu vực khác sẽ cho thấy họ hành động như thế nào ở Bắc Cực".
Ngoại trưởng Mỹ cho rằng Bắc Cực đang trở thành một "đấu trường cạnh tranh quyền lực toàn cầu" do sở hữu nguồn tài nguyên dầu mỏ, khí đốt, khoáng sản và trữ lượng cá khổng lồ, khẳng định Washington sẽ tăng cường hiện diện ở đây để "kiểm soát hành vi" của Bắc Kinh và Moskva.
Pompeo cũng cảnh báo việc để mặc Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng tại Bắc Cực sẽ dẫn đến những nguy cơ tiềm năng về hành động quân sự hóa và khai thác không kiểm soát các nguồn tài nguyên thiên nhiên tại khu vực. Ông bác bỏ tuyên bố của Bắc Kinh rằng Trung Quốc là "quốc gia cận Bắc Cực", bởi phần lãnh thổ gần Bắc Cực nhất của Trung Quốc cũng nằm cách cực địa này đến 1.450 km.
Theo Pompeo, Bắc Kinh gần đây đầu tư rất lớn vào Bắc Cực với khoảng 90 tỷ USD trong giai đoạn 2012-2017, cũng như tìm cách đẩy mạnh khai thác lợi thế của tuyến đường hàng hải Biển Bắc.
Báo cáo của Lầu Năm Góc công bố ngày 2/5 cũng cảnh báo nguy cơ Trung Quốc điều tàu ngầm đến Bắc Cực để gia tăng hiện diện quân sự. Theo báo cáo, Đan Mạch đã bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc chú ý đến đảo Greenland và đề xuất thành lập một trạm nghiên cứu, trạm vệ tinh mặt đất, nâng cấp sân bay và mở rộng hoạt động khai thác khoáng sản tại khu vực này.
Bắc Kinh hồi đầu năm cũng công bố kế hoạch chế tạo tàu phá băng hạt nhân với lượng giãn nước 30.000 tấn, nhằm tăng cường khả năng thăm dò và hiện diện ở Bắc Cực.
Nguyễn Hoàng (Theo Guardian)